Nghĩa Lộ: Hành động nhỏ tô thêm nét đẹp của con người văn hóa

  • Cập nhật: Thứ ba, 1/10/2019 | 1:51:53 PM

YênBái - Những hành động, việc làm tuy nhỏ bé của mỗi người dân Nghĩa Lộ - Mường Lò đã thể hiện được cốt cách, tâm hồn cao đẹp, nếp sống văn minh, thái độ chân thành, tôn trọng, thân thiện, mến khách.

Nhiều hộ dân ở thị xã Nghĩa Lộ tổ chức pha nước giải khát và phân công lực lượng có mặt tại địa điểm tập luyện phát nước miễn phí cho diễn viên.
Nhiều hộ dân ở thị xã Nghĩa Lộ tổ chức pha nước giải khát và phân công lực lượng có mặt tại địa điểm tập luyện phát nước miễn phí cho diễn viên.

Thực hiện Đề án xây dựng thị xã văn hóa - du lịch Nghĩa Lộ, trong những năm qua, thị xã Nghĩa Lộ đã chú trọng xây dựng con người Nghĩa Lộ theo 5 đức tính của con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới, vừa mang nét văn minh đô thị nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa: có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh; cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa; tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng; có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; có thái độ chân thành, tôn trọng, thân thiện, mến khách.


Những đức tính ấy được thể hiện trong từng hành động, cử chỉ, suy nghĩ, lời nói hàng ngày của mỗi người dân Nghĩa Lộ, đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách khi đến với Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò và khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2019.

Ấn tượng đầu tiên là tinh thần hăng hái, tích cực tham gia tập luyện của 200 diễn viên tham gia chương trình diễu diễn đường phố và 3.500 người tham gia biểu diễn màn đại xòe. Thời gian tập luyện cho cả 2 hoạt động kéo dài cả một tháng, đặc biệt vào những ngày sát sự kiện, lịch tập luyện càng dày đặc. Ban ngày tập luyện cho màn diễu diễn, tối đến lại chuẩn bị cho màn đại xòe, có những diễn viên nửa đêm mới về đến nhà. 

Song từ các thôn bản, tổ dân phố, chẳng ai bảo ai, các chị em phụ nữ tự bố trí thời gian lao động, sản xuất, công việc gia đình hợp lý để có mặt đúng giờ, tập luyện nghiêm túc. Thấy được sự cố gắng của các diễn viên, các tổ chức đoàn thể, nhân dân đã huy động đóng góp, khích lệ tinh thần. Một số tổ dân phố đã tuyên truyền, vận động mỗi hộ dân ủng hộ diễn viên tham gia tối thiểu 10.000 đồng để phục vụ nước uống, bữa ăn nhẹ. 

Nhiều hộ kinh doanh dịch vụ, thương mại, các cửa hàng, câu lạc bộ trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ đã thành lập các nhóm, góp tiền mua nguyên liệu để pha nước giải khát và phân công lực lượng có mặt tại địa điểm tập luyện phát nước miễn phí cho diễn viên. 

Chị Nguyễn Thị Hồng ở tổ dân phố 4, phường Pú Trạng bày tỏ: "Thấy các diễn viên tập luyện vất vả dưới trời nắng như đổ lửa, chúng tôi tự nảy ra suy nghĩ làm nước giải khát cho các diễn viên. Suy nghĩ của chúng tôi cũng được nhiều người ủng hộ và tự nguyện đóng góp vật chất, công sức. Nhóm chị em chúng tôi có 10 người, ngoài người ở nhà pha chế đồ uống, mỗi buổi, chúng tôi cử từ 4 đến 6 chị em đến địa điểm tập luyện phát nước miễn phí cho diễn viên. Với 6 buổi, hơn 100 lít nước giải khát, chúng tôi hy vọng góp được một phần công sức nhỏ bé để động viên diễn viên tập luyện tốt hơn”.

Dịp này, tại các homestay cộng đồng, lượng khách đến ăn, nghỉ tăng đột biến trong đó có rất nhiều khách du lịch nước ngoài. Mặc dù đây là cơ hội để tranh thủ tăng thu nhập nhưng hầu hết các cơ sở homestay đều nhận đủ số lượng khách vừa với quy mô của gia đình; không tăng giá, ép giá các loại dịch vụ cũng như luôn chuẩn bị tốt các điều kiện để phục vụ chu đáo. Vì vậy, trong dịp Lễ hội không có bất kỳ phản ánh nào của du khách tới các cơ quan chức năng về thái độ, giá cả phục vụ. 

Chị Adalicia - du khách người Pháp cảm nhận: "Con người ở đây thật thân thiện, gần gũi. Các bạn sẵn sàng dành nhiều thời gian để đưa chúng tôi đi tham quan những cảnh đẹp, bản làng, di tích; giới thiệu về những nét văn hóa nơi đây. Tôi rất thích chụp ảnh với các bạn để giữ lại kỷ niệm trong hành trình khám phá của mình”.

Những hành động, việc làm tuy nhỏ bé của mỗi người dân Nghĩa Lộ - Mường Lò đã thể hiện được cốt cách, tâm hồn cao đẹp, nếp sống văn minh, thái độ chân thành, tôn trọng, thân thiện, mến khách. Chính điều đó đã góp một phần xây dựng nên hình ảnh con người văn hóa Nghĩa Lộ trong lòng du khách thập phương.

H.A

Các tin khác
Lao động nông thôn trên địa bàn huyện Yên Bình học nghề xây dựng.

Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động nông thôn (LĐNT), những năm qua, huyện Yên Bình đã tích cực triển khai và đạt được kết quả đáng khích lệ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các ngành, địa phương và người lao động (NLĐ) về công tác dạy nghề. Tuy nhiên, huyện cũng gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Cuộc điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 sẽ được Tổng cục Thống kê tiến hành từ ngày 1 - 31/10/2019.

Một góc thành phố Yên Bái hôm nay. (Ảnh: Thanh Miền)

Yên Bái là tỉnh nghèo, kém phát triển nhưng tỉnh đã sớm có chủ trương di chuyển các nhà máy sản xuất, chế biến ra khỏi khu dân cư.

Một giờ thực hành của học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Yên Bái.

Thời gian qua, Trường Cao đẳng Y tế Yên Bái đã đẩy mạnh phối hợp với các cơ sở y tế, các doanh nghiệp trong việc đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục