Theo đó, mục đích của Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019 (gọi tắt là Tháng hành động) là thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, vận động toàn xã hội chủ động, tích cực hành động nhằm thực hiện hiệu quả hơn các chính sách, chương trình về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Cùng với đó, tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho phụ nữ và trẻ em. Đồng thời, cho cả cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, các thành viên gia đình, người làm công tác bình đẳng giới và bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Giảm thiểu tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Tăng cường vai trò điều phối, phối hợp các hoạt động giữa cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới với các cơ quan, tổ chức trong nước, quốc tế và địa phương trong lĩnh vực bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Thông tin tuyên truyền và chủ đề của Tháng hành động cần triển khai sâu rộng, toàn diện. Chú trọng các hoạt động ở cấp cộng đồng, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.
Các hoạt động của Tháng hành động cần được tổ chức thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, lồng ghép với các sự kiện khác để tạo hiệu ứng về truyền thông. Khuyến khích, tạo điều kiện huy động các bên tham gia và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để triển khai các hoạt động của Tháng hành động.
Chương trình đặt mục tiêu 100% các bộ ngành, tỉnh, thành phố trong cả nước sẽ xây dựng kế hoạch, hướng dẫn và triển khai các hoạt động liên quan tới Tháng hành động ở các cấp, từ trung ương đến cơ sở. Nỗ lực có 18.500 hoạt động hưởng ứng Tháng hành động tổ chức trên toàn quốc, thu hút hơn 1,2 triệu lượt người tham dự, tăng 15% so với năm 2018.
Về chuẩn bị, cấp Trung ương xây dựng kế hoạch, tài liệu hướng dẫn và tổ chức tập huấn, hướng dẫn triển khai Tháng hành động cho các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương, các địa phương trong cả nước. Đồng thời, kết nối các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động do các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế tổ chức.
Ở địa phương, cần xây dựng kế hoạch, văn bản hướng dẫn và tổ chức tập huấn, hướng dẫn triển khai Tháng hành động cho cấp cơ sở.
Lễ phát động Tháng hành động dự kiến diễn ra vào ngày 9-11 tại tỉnh Quảng Ngãi. Các địa phương, tùy theo tình hình cụ thể, tổ chức lễ phát động, hoặc mít-tinh hưởng ứng Tháng hành động trong thời gian từ ngày 10 đến 15-11.
Về thực hiện, tích cực phối hợp và huy động nguồn lực, sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, đối tác trong nước và quốc tế khi triển khai Tháng hành động. Ngoài ra, kêu gọi, vận động sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể, nhân dân, người có uy tín và ảnh hưởng trong xã hội như: lãnh đạo cấp cao, nhà khoa học, nghệ sĩ, doanh nhân nổi tiếng…
Tăng cường truyền thông qua các phương tiện cá nhân, ứng dụng mạng xã hội; các hoạt động truyền thông ở cấp cộng đồng nhằm truyền tải các thông điệp trực tiếp đến được nhiều người dân.
Năm 2016, lần đầu tiên, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới được phát động trên phạm vi cả nước. Đây là hoạt động triển khai Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 2-10-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020.
(Theo Nhân Dân)