Thời điểm này, diễn biến thời tiết bất thường, nhiệt độ thay đổi đột ngột do các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa. Trước thực tế đó, ngành y tế Yên Bái đã có văn bản chỉ đạo triển khai các giải pháp quyết liệt phòng, chống tối đa dịch bệnh xâm nhập địa bàn.
Điều đáng mừng là từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh không phát hiện ca bệnh, ổ dịch nguy hiểm như: Cúm A/H5N1, A/H7N9, tả, Corona vi rút, Ebola... Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 13 ổ dịch thủy đậu với 348 ca mắc rải rác ở các huyện: Văn Chấn, Yên Bình, Trạm Tấu, Văn Yên, Yên Bình; bệnh dại 4.703 ca phơi nhiễm được tiêm phòng, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2018; bệnh ho gà ghi nhận 14 ca và tập trung ở trẻ 4 - 9 tháng tuổi; bệnh sởi ghi nhận 455 ca đã giám sát và lấy 303 mẫu xét nghiệm, có 217 mẫu dương tính với sởi, 9 ổ dịch nhỏ tập trung ở các huyện: Mù Cang Chải, Văn Chấn, Trạm Tấu và Văn Yên. Bên cạnh đó, các bệnh truyền nhiễm khác có tỷ lệ mắc tăng so với cùng kỳ như: lỵ amip, sốt xuất huyết, thủy đậu, ho gà, quai bị…
Ông Nguyễn Trọng Phú - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: "Điều kiện khí hậu mùa đông - xuân rất thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như: sởi, Rubella, ho gà, viêm màng não do não mô cầu, các bệnh cúm gia cầm độc lực cao, cúm A/H7N9, cúm A/H5N1, tiêu chảy do vi rút Rota...
Mặt khác, đây cũng là thời điểm sắp diễn ra các lễ hội, tết cổ truyền của dân tộc nên việc gặp gỡ giao lưu đi lại, buôn bán đặc biệt là hoạt động buôn bán gia súc, gia cầm, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, các dịch vụ ăn uống khó kiểm soát là nguy cơ bùng phát các dịch bệnh như: cúm A/H5N1, A/H7N9, tiêu chảy…
Ngoài ra, một số bệnh đã có vắc-xin phòng đang có dấu hiệu tái xuất trở lại như: uốn ván sơ sinh, ho gà, viêm não Nhật Bản… Dự báo tình hình dịch bệnh truyền nhiễm như: sởi, cúm, thủy đậu, quai bị… có thể gia tăng trong thời gian tới”.
Trước thực tế đó, ngành y tế đã tham mưu giúp tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, cụ thể như: tăng cường công tác giám sát tại cộng đồng, tại các cơ sở y tế, các trường học... để phát hiện sớm các ca bệnh, vụ dịch, đặc biệt là các bệnh lây qua đường hô hấp, các bệnh thường gặp mùa đông - xuân; lấy mẫu bệnh phẩm kịp thời để chẩn đoán xác định; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo theo Thông tư số 54 ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm để có sự chỉ đạo, hỗ trợ của tuyến trên khi cần thiết.
Đặc biệt, phải đẩy mạnh công tác truyền thông trong thời gian này để người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh, vệ sinh môi trường, các địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong công tác thông tin về dịch bệnh, đặc biệt là ngành thú y trong hoạt động trao đổi thông tin về dịch cúm trên gia cầm và các bệnh dịch có khả năng lây truyền từ động vật sang người.
Song song với đó, tổ chức tốt công tác tiêm chủng vắc-xin có trong chương trình tiêm chủng mở rộng và khuyến khích việc sử dụng các vắc-xin dự phòng khác như vắc-xin cúm mùa, thủy đậu, quai bị...; chuẩn bị về thuốc, hóa chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực và các cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh một cách chủ động, kịp thời.
Với nhiều giải pháp đã triển khai, cùng với sự chủ động của người dân trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho chính mình và người thân, cần từ bỏ thói quen ăn uống không hợp vệ sinh như ăn tiết canh, gỏi sống... tránh mắc một số bệnh như: liên cầu khuẩn, tiêu chảy cấp; đồng thời cần chủ động tiêm chủng các loại bệnh dễ có nguy cơ bùng phát... để kìm chế tối đa dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn.
Trần Minh