* Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh, Founder & CEO Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại và dịch vụ XƯA: Nếu bạn là phụ nữ, nỗi hoài nghi còn lớn hơn
Lúc bắt đầu nghĩ về việc làm những đôi giày gỗ được trang trí thủ công với những người thợ sơn mài thủ công ở Huế, tôi đã vấp phải trở ngại đầu tiên của "một người phụ nữ dám nghĩ… bậy”.
Gia đình tôi phản đối. Mọi người sợ tôi quá viển vông. Lúc đó, Thừa Thiên - Huế quê tôi có những người thợ làm thủ công mỹ nghệ xuất sắc, ở đất nước tôi sống là Cộng hòa Séc thì cực kỳ coi trọng hàng thủ công.
Ý tưởng của tôi là làm ra những đôi giày kiểu dáng hiện đại trên một chiếc đế gỗ được chạm khắc tinh tế bằng tay nghề của người thợ sơn mài ở Huế và tiếp cận thị trường châu Âu. Nhưng lúc đó, người ta chưa từng thấy một sản phẩm như vậy. Những người thợ thủ công lành nghề cũng chỉ biết chạm khắc trên tranh, trên sản phẩm gỗ trang trí hoặc gia dụng.
Bị gia đình phản đối là một trở ngại lớn. Nhiều phụ nữ từ bỏ đam mê vì không thể khước từ vai trò trong gia đình.
Nhưng, cơ duyên kỳ lạ lắm. Chính trong cái lần tôi từ bỏ mọi thứ để về Việt Nam vì con, mọi thứ lại bắt đầu. Năm 2014, tôi phát hiện con trai bị rối loạn ngôn ngữ, con gặp khó khăn trong giao tiếp. Con không nói được tiếng Việt dù tôi đã dạy con rất nhiều.
Tôi quyết định đưa con về Việt Nam, sống trong môi trường tiếng mẹ đẻ để khơi dậy khả năng diễn đạt của con. Từ một người tất bật với công việc và gia đình ở Công hòa Séc, về Huế, cứ sáng sáng tôi lại đưa con đến lớp rồi lặn lội đi khắp các làng nghề để tìm hiểu.
Tôi gặp những người thợ sơn mài lành nghề trong những lần đó. Chuỗi ngày đó cũng khai sinh thương hiệu giày XƯA. Vậy là, mọi mong ước bên trong người phụ nữ đều có thể trở thành hiện thực - nếu chúng đủ mãnh liệt - kể cả những điều tưởng mâu thuẫn nhau như là dành trọn thời gian cho con và theo đuổi đam mê cá nhân.
Thời gian đầu, khi làm việc với thợ mộc, tôi lại chạm phải xung đột giữa người đàn ông có nghề và một người phụ nữ "ngoại đạo”. Vì chưa bao giờ làm một đôi đế giày bằng gỗ như vậy, anh thợ của tôi cũng gặp khó khăn. Anh chỉ biết guốc gỗ, anh không hình dung nổi việc làm đế giày nữ bằng gỗ.
Sản phẩm đầu tiên ra đời "chẳng giống ai”, anh lập tức khẳng định: "Làm gì có loại giày nào như cô nói, không làm được đâu”.
Vì là phụ nữ, tôi có thể mềm mỏng nhờ vả người ta chiều ý mình, nhưng lại rất khó để thuyết phục người ta tin vào ý tưởng của mình, nhất là một ý tưởng quá lạ trong một lĩnh vực họ đã quá rành.
Sau này, khi đã cùng nhau làm được nhiều sản phẩm đưa ra thị trường, tôi vẫn vấp phải sự nghi ngờ như thế từ cộng sự nam.
Một lần, khi nhận xét một sản phẩm mới thử nghiệm có kiểu dáng không phù hợp, chất liệu gỗ không đủ chắc, tôi lại nghe anh thợ lắc đầu nguầy nguậy: "Vậy là được rồi, cô nhiều chuyện quá”. Anh lập tức đưa ra những thông số kỹ thuật trong nghề để kết luận rằng thành phẩm của anh ta đã đạt chuẩn, và việc tôi chưa hài lòng là do tôi… chẳng biết gì cả.
Đúng là lúc đó, có những cái tôi không biết thật. Nhưng không phải lời chê bai của người khác, mà chính sự lung lay của bản thân mới khiến tôi lo ngại. Vì thế, thay vì thuyết phục người khác tin vào ý tưởng của mình, tôi quay sang thuyết phục mình bằng cách… đi học.
Tôi cần học cách vẽ ra chính xác chiếc giày tôi muốn, với tất cả hiểu biết về tỷ lệ, màu sắc… thì mới mong đối thoại hiệu quả với những anh thợ. Tôi đăng ký vào học lớp vẽ của một người thầy trẻ.
Đó là một lò luyện thi của những học sinh sắp thi vào ngành mỹ thuật. Mỗi ngày, giữa những học sinh non choẹt, tôi một mình ôm con nhỏ tới lớp, học… vẽ giày.
Sau lớp học đó, tôi biết vẽ. Trao đổi công việc với những người thợ mộc, thợ sơn mài dễ dàng hơn hẳn. Bây giờ, giày gỗ XƯA đã đi ra thế giới khi lọt vào mắt những nhà thiết kế thời trang châu Âu. Tất cả mẫu vẽ trên những chiếc giày XƯA đều do tôi thiết kế.
Hiện tại tôi vẫn còn nhiều thứ cần học. Nhưng hành trình đã qua khiến tôi nhận ra rằng, hễ còn khai phá, bạn sẽ còn vấp phải những hoài nghi của người khác.
Nếu bạn là phụ nữ, nỗi hoài nghi đó còn lớn hơn. Nhưng thật khó để bạn thuyết phục người khác tin mình, nếu bạn chưa đủ tin vào bản thân. Và phương cách duy nhất khi bạn chợt nhận ra niềm tin về mình có chút lung lay, là học.
* Phan Nguyễn Nguyệt Trúc Đào - Giám đốc Chương trình Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (SIHUB): Cú sốc nhẹ nhàng
Có trong tay những bài học rút ra từ các khóa tập huấn về khởi nghiệp ở Mỹ, Ấn Độ, một số vốn tích lũy suốt hai năm đi làm thêm thời sinh viên và gọi vốn thêm bên ngoài, khi bạn bè còn vô tư chơi đùa, học hành và ngồi nghĩ về những "giấc mộng lớn”, tôi đã quyết định khởi nghiệp ở tuổi 19. Lúc đó tôi đang là sinh viên năm ba Trường đại học Ngoại thương TP.HCM.
Nếu ai đó hỏi lý do bắt đầu như thế nào thì cũng thật giản đơn, không có gì to tát.
Chứng kiến các bạn sinh viên có thói quen ăn ở những gánh hàng rong, vỉa hè, ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe, tôi muốn làm một cái gì đó nâng cao chăm sóc sức khỏe con người, bắt đầu từ việc ăn uống.
Một nhà hàng chuyên về thực phẩm sạch với slogan: "Ăn khôn ngoan, ăn vừa đủ” ra đời, cùng với sự ủng hộ, giúp sức của một số người bạn.
21 tuổi, có trong tay một nhà hàng với hơn 30 nhân viên, những đối tác lớn, và tương lai rộng mở, một số bài báo ca ngợi tấm gương tuổi trẻ khởi nghiệp. Trong một vài khoảnh khắc nào đó, tôi nghĩ, mình đã có tất cả trong tay.
Nhưng cuộc sống không phải màu hồng như tôi nghĩ. Đôi khi, nó lại vận hành theo một cách nào đó đầy tan nát, trớ trêu, nhất là khi mình còn trẻ, đang ở những ngày tháng tuổi trẻ nở rộ nhất.
Sau hơn một năm hoạt động, nhà hàng càng có nhiều vấn đề. Không chỉ là mô hình kinh doanh không phù hợp mà còn ở việc đối tác thiếu trung thực, hợp đồng kinh tế không được chặt chẽ, khi xảy ra chuyện, dòng tiền của công ty bị ảnh hưởng mạnh. Tôi quyết định giải thể giấc mơ khởi nghiệp đầu tiên trong đời.
Giờ đây, thỉnh thoảng, những ngày cuối cùng đó lại hiện về một cách đầy sống động. Trước khi thông báo chính thức, mọi người đi du lịch với nhau một chuyến. Khi về, tôi mới tuyên bố lý do giải thể, gặp từng nhân viên một nói lời xin lỗi.
Chúng tôi sử dụng tất cả nguyên liệu cuối cùng của nhà hàng, làm một bữa tiệc chia tay, ngồi bên nhau nói chuyện.
Tôi vẫn còn nhớ ngày cuối cùng của chuỗi những ngày cuối cùng đó. Đồng đội đã đi hết. Tiền mất. Cánh cửa nhà hàng khép lại tối om. Cha mẹ trách móc: con gái lớn không biết an phận.
Bạn bè không một ai bên cạnh. Tôi đã thầm nhủ: cuộc đời vui quá, mới hôm qua cho mình tất cả, hôm nay lấy đi hết. Còn muốn lấy cái gì nữa thì lấy đi, để tôi bắt đầu lại từ đầu. Tôi được toại nguyện: vài hôm sau, trộm vào nhà, khoắng sạch mọi thứ: xe, laptop, điện thoại…
Cú sốc đầu đời đến một cách không báo trước như thế. Mặc dù sốc, có đôi ba ý nghĩ tiêu cực nhưng sự bình tĩnh đến, tôi để mọi thứ qua nhanh lắm. Và ngay cả thời điểm khó khăn ấy, tôi vẫn không hề thấy giấc mơ của mình tan rã.
Giờ đây, sau vài dự án khởi nghiệp khác, khi nhìn lại mới thấy, những gì mình học được khác thực tế rất nhiều. Tôi hiếu thắng, xốc nổi, và mải miết chạy theo bài toán kinh doanh.
Tôi không biết mình muốn gì, khởi nghiệp trong hoang mang. Tôi bắt đầu giấc mơ trong khi tôi không hiểu rõ về nó. Quãng thời gian đó khiến tôi phải tự hỏi, mục đích sống của mình là gì, kinh doanh có phải là phương tiện hợp nhất với mình hay không. Để rồi nhận ra rằng, điều quan trọng nhất vẫn là mình có hạnh phúc với điều mà mình đã lựa chọn hay không.
Nếu theo cách hiểu thông thường, người ta sẽ nói tôi khởi nghiệp thất bại. Tôi lại xem đó là mốc để khởi động cuộc đời của mình. Bố mẹ hay nói, làm con gái thì cứ nên an phận. Bố mẹ nói từ khi tôi 19 tuổi cho đến nay vẫn nói. Tôi muốn an phận nhưng cũng muốn được làm những điều tôi thích, liệu được không?
Hiện, tôi làm công tác liên quan đến khởi nghiệp, tiếp xúc với nhiều bạn trẻ, trong số đó, có không ít bạn nữ. Từ trải nghiệm của mình, tôi vẫn luôn nói với các bạn: hãy nắm lấy sinh mệnh của mình, để bắt đầu.
(Theo Phụ Nữ)