Để đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho LĐNT, thực hiện Đề án 1956/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2010 - 2020, huyện đã triển khai tới tới 22 xã, thị trấn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chính sách và tư vấn học nghề cho LĐNT. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tăng cường phối hợp với các công ty, doanh nghiệp uy tín trong và ngoài tỉnh, mở các lớp dạy nghề và tuyển dụng lao động.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 5 cơ sở tham gia dạy nghề và giáo dục nghề nghiệp, trong đó Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện là cơ sở dạy nghề chính.
Để công tác đào tạo nghề phù hợp với phát triển kinh tế của từng địa phương, huyện đã phê duyệt đề án đào tạo nghề theo từng giai đoạn, trong đó giai đoạn 2010 - 2015 với 34 nghề (nông nghiệp 15 nghề, phi nông nghiệp 19 nghề), giai đoạn 2016 - 2019 là 47 nghề (nông nghiệp 21 nghề và phi nông nghiệp 26 nghề).
Từ năm 2010 đến nay, huyện đã đào tạo nghề cho 6.766 LĐNT, trong đó nghề nông nghiệp 4.652 người, chiếm 68,75% và nghề phi nông nghiệp 2.114 người, chiếm 31,25%.
Các đối tượng học nghề được chia theo nhóm: lao động nữ 4.697 người; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi có công với cách mạng 138 người; khuyết tật 34 người; dân tộc thiểu số 2.558 người; hộ nghèo 999 người; gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh 233 người…
Theo kết quả khảo sát mới đây, tỷ lệ LĐNT có việc làm sau học nghề 6.613/6.766 người đạt 97,74% chỉ tiêu đề ra. Để thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT, huyện đã phối hợp với các Công ty TNHH Quốc tế VINA KNF, Công ty Sam sung Việt Nam, Trường Cao đẳng Mỏ Hồng Cẩm, Quảng Ninh… trong công tác tuyển lao động để đào tạo nghề. Đối với LĐNT, các cơ sở dạy nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp mở lớp tại các xã, nhằm giảm thời gian và chi phí đi lại cho học viên.
Trong đó đã mở các lớp trồng và sơ chế tre măng Bát độ tại xã Kiên Thành, Hồng Ca, Lương Thịnh; nuôi và sơ chế kén tằm tại xã Hòa Cuông, Việt Thành, Tân Đồng, Báo Đáp; phát triển trang trại tại xã Hưng Thịnh; chăn nuôi gà thương phẩm tại xã Minh Quán, Quy Mông…
Nhiều học viên sau học nghề đã áp dụng kiến thức vào phát triển kinh tế hộ, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình như nuôi tằm và sơ chế kén tằm của học viên Lê Thị Lưu, Nguyễn Thị Xuyến (xã Báo Đáp), Phạm Thị Tuyết Ánh, Phạm Thị Đông (xã Tân Đồng); trồng và sơ chế tre măng Bát độ như Hoàng Minh Điệp, Lộc Minh Sự (xã Kiên Thành)…
Các học viên sau khi tham gia các lớp học nghề nông nghiệp, áp dụng kiến thức đã học vào phát triển kinh tế gia đình đã có thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng; học nghề phi nông nghiệp thu nhập từ 5 đến 10 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, các công ty, doanh nghiệp ngoài tỉnh hàng năm cũng tuyển dụng từ 100 đến 200 lao động làm việc ở các lĩnh vực điện tử, giày và cơ khí… thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng/người/tháng.
Với những nỗ lực trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã góp phần nâng tỷ lệ lao động được học nghề của huyện từ 19% năm 2010 lên 55,4% năm 2019. Nguồn lao động dồi dào, chất lượng tay nghề được nâng cao sẽ góp phần để Trấn Yên tiếp tục thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống nhân dân.
Thái Hưng