Là một trong những hộ gia đình bị sập nhà hoàn toàn, gia đình anh Lò Văn Vinh ở thôn Hát 2 đã chuyển đến nơi ở mới theo hình thức di dân xen ghép. Anh Vinh tâm sự: "Sau khi lũ đi qua, căn nhà bị mất trắng, ruộng vườn có 800 m2 cũng vùi trong cát và đá. Nhờ có Đảng, chính quyền và sự tương trợ của người dân trong xã, chúng tôi đã xây được ngôi nhà mới kiên cố như thế này. Ở đây, con cái đi học thuận tiện, ốm đau cũng gần trạm y tế và quan trọng nhất là không phải lo nơm nớp mỗi khi mùa mưa bão”.
Đó là khu trung tâm bản Hát 2, cách UBND xã Hát Lừu chưa đầy 1 cây số, điện, đường, trường, trạm đều có sẵn và rất thuận lợi. Ngay sau khi lũ dữ đi qua, từ Trung ương đến địa phương và toàn bộ nhân dân trong xã đều "xắn tay áo” chung sức giúp đỡ những hộ gặp nạn cả về tinh thần và vật chất.
Gia đình anh Vinh được hỗ trợ 20 triệu đồng theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng 2020”; các nhà hảo tâm giúp đỡ trên 100 triệu đồng; các đồ dùng trong nhà cơ bản được huyện hỗ trợ, nhân dân trong xã đoàn kết giúp bằng ngày công lao động...
Gia đình ông Lò Văn Tiến ở cùng thôn cũng đã nhanh chóng ổn định cuộc sống sau khi chuyển đến nơi ở mới. Trước đây, vì toàn bộ mô hình kinh tế của gia đình gắn liền với nơi ở cho nên biết nguy hiểm, gia đình ông Tiến vẫn quyết bám đất - đó cũng là tâm lý chung của người dân nơi đây. Chỉ khi cơn lũ đi qua cuốn theo tất cả tài sản gia đình, ông Tiến mới chuyển đi.
Ở khu vực nhà ở trước kia, gia đình ông Tiến có hơn 2.000 m2 đất ruộng, cấy một năm 2 vụ, cả nếp cả tẻ, mỗi năm thu trên 1 tấn thóc, chủ yếu để làm hàng hóa; một ao lớn nuôi cá, tôm. Tuy nhiên, tài sản của ông đã bị lũ cuốn đi gần hết. Lúc mới chuyển đến nơi ở mới, gia đình ông Tiến bỡ ngỡ lắm vì chưa biết phải làm sao để làm lại và phát triển kinh tế nhưng ông vẫn luôn tự động viên mình: "Sinh mạng là quan trọng”.
Giờ đây, sau 2 năm, 2 vợ chồng ông cũng đã cải tạo được một vài khu đất để trồng rau. Hàng ngày, vợ ông Tiến chăm chỉ mang rau ra chợ bán, thu được 100 - 200 nghìn đồng/ngày. Ngoài ra, gia đình ông vẫn tích cực cấy hái trên diện tích đất ruộng còn lại. "Vất vả hơn đấy nhưng mà an toàn” - ông Tiến tâm sự.
Cùng với gia đình anh Vinh, ông Tiến, 45 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm tại xã Hát Lừu đã chuyển đến nơi ở mới, tập trung chủ yếu ở thôn Hát 2 theo hình thức di dân xen ghép. Điểm đặc biệt của hình thức di dân xen ghép là rất nhanh chóng ổn định cuộc sống với đầy đủ hệ thống cơ sở hạ tầng song cần nhất là sự đồng lòng, sẻ chia của nhân dân trong xã.
Ông Lò Văn Pầng - Phó Chủ tịch UBND xã Hát Lừu cho biết: "Ngay sau khi lũ đi qua, địa phương đã tổ chức họp bàn, huy động nhân dân giúp đỡ ngày công, chia sẻ đất ở, đất sản xuất cho những hộ đang gặp nạn. Mặc dù cuộc sống mới còn nhiều khó khăn nhưng bà con luôn phát huy tinh thần đoàn kết, đùm bọc, yêu thương nhau. 45 hộ dân nhanh chóng hòa nhập với nơi ở mới, an ninh trật tự được duy trì, nhân dân an tâm phát triển kinh tế”.
H.A