Hội nghị có sự tham dự của tiến sĩ Lê Văn Tuấn - Chuyên viên chính Vụ Giáo dục Thể chất - Bộ Giáo dục và Đào tạo; Phó giáo sư, tiến sĩ (PGS,RS)iBùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và Ngành nghề - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, ông Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái, lãnh đạo và chuyên viên các phòng giáo dục và đào tạo, ban giám hiệu và cán bộ phụ trách công tác bán trú cùng đại diện hội phụ huynh học sinh các trường tiểu học bán trú trên địa bàn tỉnh.
Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và Ngành nghề - Viện Dinh dưỡng Quốc gia - phát biểu tại sự kiện
Hội nghị nằm trong khuôn khổ kế hoạch triển khai Dự án Bữa ăn học đường đến tất cả các trường tổ chức bán trú trên toàn quốc. Dự án do Công ty Ajinomoto Việt Nam phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Dinh dưỡng Quốc gia - Bộ Y tế thực hiện và triển khai mục tiêu "Thực hiện trách nhiệm đóng góp cho giáo dục, nuôi dưỡng và đào tạo thế hệ tương lai của đất nước bằng các hoạt động cải thiện dinh dưỡng và sức khỏe, góp phần nâng cao tầm vóc và trí tuệ cho học sinh tiểu học". Trong đó, phần mềm Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng là một trong những nội dung trọng tâm.
Phần mềm cung cấp một ngân hàng thực đơn đa dạng và phong phú với 120 thực đơn sẵn có và 360 món ăn không lặp lại cho bữa trưa, đã được cân bằng dinh dưỡng theo nhu cầu lứa tuổi, đa dạng và ngon miệng; được phân chia theo 3 khu vực miền Bắc, Trung và Nam. Các trường tiểu học có thể linh hoạt thiết kế thực đơn mới từ những món ăn sẵn có hoặc từ nguồn nguyên liệu phù hợp nhưng vẫn đảm bảo tính dinh dưỡng. Phần mềm còn hỗ trợ nhà trường tính toán và quản lý chi phí bán trú.
Dự án còn chú trọng đến việc giáo dục kiến thức dinh dưỡng cho các em học sinh ngay từ bậc tiểu học thông qua áp phích "Ba phút thay đổi nhận thức". Áp phích minh họa trực quan và sinh động những thông tin dinh dưỡng bằng hình ảnh. Trước mỗi giờ ăn, các em học sinh sẽ cùng tìm hiểu về vai trò dinh dưỡng của các loại thực phẩm có trong thực đơn đối với sức khỏe. Những hiểu biết này sẽ giúp các em ăn đa dạng các loại thực phẩm, đặc biệt là rau củ, góp phần xây dựng thói quen ăn uống khoa học và lành mạnh.
Dự án còn đầu tư xây dựng các mô hình Bếp ăn mẫu bán trú theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Tính đến nay, 2 bếp ăn mẫu tại Việt Nam đã được xây dựng và đi vào hoạt động tại trường Tiểu học Trưng Trắc (TP HCM) và trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (TP Lạng Sơn). Bên cạnh hỗ trợ các trường tiểu học chuẩn bị tốt bữa trưa theo thực đơn của Phần mềm, hai mô hình bếp còn chào đón nhiều đơn vị giáo dục, trường học từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước đến tham quan và học tập.
Khẩu phần ăn đảm bảo cân bằng dinh dưỡng, được chuẩn bị theo phần mềm của Dự án
Để các trường hiểu và có thể sử dụng thành thạo phần mềm trong công tác bán trú, ngay sau hội nghị, ban Dự án đã có kế hoạch cử nhân viên đến thăm, hướng dẫn và giải đáp thắc mắc của các trường trong quá trình sử dụng.
Tham gia Hội nghị, PGS.TS. Bùi Thị Nhung chia sẻ: "Phần mềm đã được triển khai đến nay đã gần 60 tỉnh, thành và đạt được những kết quả rất khả quan. Đây là một công cụ để hỗ trợ cho nhà trường trong việc xây dựng thực đơn. Từ các thực đơn mẫu, phần mềm hỗ trợ nhà trường chuẩn bị và tính toán danh sách nguyên liệu, công thức nấu ăn và cách chia món ăn theo từng độ tuổi (6-7 tuổi, 8-9 tuổi và 10-11 tuổi). Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Dinh dưỡng Quốc gia - Bộ Y tế, Công ty Ajinomoto Việt Nam, các Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, thành trong việc triển khai Dự án Bữa ăn học đường, đặc biệt áp dụng Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng".
Tính đến tháng 9-2019, 3.173 trường tiểu học bán trú tại 57 tỉnh, thành trên toàn quốc đã và đang áp dụng Phần mềm trong công tác bán trú cũng như bộ áp phích "Ba phút thay đổi nhận thức" để giáo dục kiến thức dinh dưỡng cho các em học sinh. Từ những lợi ích thiết thực mà Dự án mang lại, Ban Dự án sẽ tích cực đẩy mạnh triển khai Dự án đến các tỉnh, thành còn lại trên toàn quốc, góp phần cải thiện chất lượng bán trú tiểu học, từ đó nâng cao tầm vóc và trí tuệ cho thế hệ tương lai.
(Theo NLĐO)