Động lực nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/11/2019 | 8:35:47 AM

YênBái - Nhận thức được tầm quan trọng của trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) đối với sự phát triển của giáo dục vùng cao, ngay từ những năm 2010, khi Nhà nước chưa ban hành chính sách hỗ trợ học sinh bán trú, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án xây dựng trường PTDTBT, hỗ trợ học sinh bán trú vùng khó...

Bữa cơm trưa của các em học sinh Trường PTDTBT TH&THCS Púng Luông, huyện Mù Cang Chải.
Bữa cơm trưa của các em học sinh Trường PTDTBT TH&THCS Púng Luông, huyện Mù Cang Chải.

Cùng với Quyết định số 85 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường PTDTBT đã tạo ra "cú huých”, động lực cho công cuộc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là chất lượng giáo dục ở vùng cao, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.

Trước đây, tại các xã vùng cao của tỉnh, việc huy động học sinh đi học rất khó khăn. Cái khó, cái nghèo đã bắt các em phải phụ giúp gia đình như trông em, chăn trâu, kiếm củi, lớn hơn đã là lao động chính trong gia đình. Nếu đi học tại trung tâm, đường xá đi lại vất vả, gia đình phải cung cấp lương thực, cả tiền cho các em. Nhiều em phải nghỉ học do gia đình quá khó khăn. 

Những chính sách của Chính phủ và của tỉnh Yên Bái ra đời, như luồng gió mới giúp cho học sinh nội trú có điều kiện học tập, giảm gánh nặng cho gia đình, thúc đẩy công tác giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) phát triển. 

Có thể kể đến Nghị quyết số 22 của HĐND tỉnh ngày 16/12/2009 về ban hành Đề án "Xây dựng trường PTDTBT tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015”; Nghị quyết số 23 của HĐND tỉnh về nâng cao chất lượng hiệu quả hệ thống trường PTDTBT, trường mầm non thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết số 57 của HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với học sinh trường PTDTBT, hỗ trợ kinh phí phục vụ thuê khoán lao động nấu ăn cho học sinh bán trú ngoài quy định tại Nghị định số 116, ngày 18/7/2016 của Chính phủ...

Theo đó, mỗi học sinh được hỗ trợ tiền ăn trưa 120.000 đồng/tháng và được hưởng 9 tháng trong một năm học. Các trường có trên 150 học sinh bán trú được hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh... 

Sau một thời gian triển khai, các Nghị quyết của HĐND tỉnh và các chính sách của Nhà nước, quy mô mạng lưới trường, lớp của trường PTDTBT ngày càng được phát triển. Toàn tỉnh hiện có 54 trường PTDTBT, 50 trường có học sinh bán trú với gần 24.000 học sinh được hưởng chế độ bán trú và trên 93,2% số học sinh bán trú được ở trong trường. 

Chế độ chính sách hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú được các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc, đảm bảo công khai, minh bạch, chi trả đúng, đủ, kịp thời ngay sau khi hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ và trả đến tận tay học sinh, có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý giáo dục, ban đại diện cha mẹ học sinh và chính quyền địa phương; không có trường hợp chi trả chế độ hỗ trợ sai đối tượng... 

Đồng thời, các trường được quan tâm đầu tư phòng học, phòng ở, các công trình phụ trợ, với 866 phòng học, đạt 75% phòng học kiên cố, 862 phòng ở, 175 công trình vệ sinh, 88 nhà tắm, 85 bếp nấu, 90 công trình nước sạch... tổng kinh phí hỗ trợ học sinh bán trú từ khi bắt đầu triển khai mô hình trường PTDTBT đến nay là 602 tỷ 848 triệu đồng.

Được chăm sóc chu đáo, học sinh miền núi, vùng cao có nhiều thời gian dành cho việc học tập; chất lượng giáo dục được nâng lên so với trước. Tỷ lệ học sinh có học lực yếu kém ở các trường PTDTBT giảm, tỷ lệ khá, giỏi tăng theo từng năm. Tỷ lệ học sinh bậc tiểu học xếp loại hoàn thành môn Toán đạt 98,9%, môn Tiếng Việt đạt 98,6%; tỷ lệ học sinh khá, giỏi bậc THCS đạt 26,1%, tăng 18% so với trước khi triển khai các nghị quyết. 

Song song với công tác xây dựng và phát triển mô hình trường PTDTBT, Sở GD&ĐT ban hành các quy định một số nội dung giáo dục đặc thù trong trường PTDTNT, PTDTBT, trên cơ sở đó, các trường PTDTNT, PTDTBT tổ chức tốt các hoạt động từ quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng đến giáo dục kỹ năng sống. 

Năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có 7/9 trường PTDTNT và 31/54 trường PTDTBT tổ chức chăn nuôi, trồng trọt thu hoạch trên 50 tấn rau củ quả, chăn nuôi được trên 8 tấn gia súc, gia cầm. Học sinh bán trú đã mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp, biết tự chăm sóc phục vụ bản thân, có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, đặc biệt năm học qua không có học sinh tiểu học bỏ học.

 Việc thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường PTDTBT đã góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt của học sinh, đời sống học sinh ngày càng được quan tâm cải thiện, đó chính là một bước thay đổi tạo đà cho sự phát triển về thể chất và trí tuệ cho học sinh vùng cao, để từ đó nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Minh Tư

Tags Động lực dân tộc bán trú học sinh bán trú giáo dục đặc thù chăm sóc nuôi dưỡng

Các tin khác
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh trao bằng khen cho các Trưởng Ban Thanh tra nhân dân và Trưởng Ban Giám sát đầu tư cộng đồng có thành tích xuất sắc giai đoạn 2014 - 2019.

Thông qua hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, những công trình đầu tư cộng đồng sau khi đưa vào sử dụng cơ bản đảm bảo chất lượng, không làm thất thoát tiền bạc, tài sản của Nhà nước, của nhân dân

Bà Hà Thị Đóa – Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Yên Bái tặng hoa chúc mừng HTX May Duy Tiến.

Sáng 14/11, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Trung Tâm, huyện Lục Yên đã ra mắt Hợp tác xã (HTX) may Duy Tiến.

Với khoảng 15 triệu nam giới trưởng thành hút thuốc lá, Việt Nam là nước có số người hút thuốc cao thứ hai Đông Nam Á.

Tổng cục Môi trường vừa ban hành Hướng dẫn kỹ thuật tính toán và công bố chỉ số chất lượng không khí Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục