Lịch sử vẫn còn ghi, những năm 60 của thế kỷ 20, trong bối cảnh miền Bắc nói chung và Yên Bái nói riêng tiến hành xây dựng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều giáo viên miền xuôi xung phong lên miền núi, vùng cao trong đó có tỉnh Yên Bái dạy học.
Cùng đội ngũ giáo viên được đào tạo tại tỉnh, các giáo viên miền xuôi không quản ngại khó khăn, gian khổ, bám sát địa phương, cơ sở mở lớp, dựng trường, đẩy mạnh xóa mù chữ và vận động đồng bào cho con em đi học phổ thông. Nhờ đó, thời kỳ này, hệ thống trường, lớp phổ thông tăng nhanh, phong trào bổ túc văn hóa và xóa nạn mù chữ diễn ra sôi nổi khắp các địa phương trong tỉnh. Các trường sơ cấp và trung cấp sư phạm, trường bổ túc công nông và trường dành riêng cho con em các dân tộc được thành lập.
Tiếp nối truyền thống hào hùng ấy, những thế hệ nhà giáo hôm nay đang tiếp tục vượt qua những khó khăn thách thức, tận tụy với học sinh thân yêu, hết mình vì sự nghiệp giáo dục. Họ tiếp tục là những chiến sỹ xung kích trên mặt trận văn hóa - giáo dục - đào tạo để "Nâng cao dân trí - Đào tạo nhân lực - Bồi dưỡng nhân tài” góp phần làm cho "Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
Khắp nơi, đâu đâu cũng thấy bóng dáng người thầy ra sức miệt mài thực hiện sứ mệnh "trồng người” và quyết tâm hoàn thành trọng trách của mình, góp phần to lớn cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh.
Trong giai đoạn đổi mới, giáo dục Yên Bái đã đạt được những thành tựu to lớn, đó là: Hệ thống trường lớp và quy mô giáo dục phát triển, thực hiện nền giáo dục toàn dân, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân và nâng cao được trình độ đào tạo, kĩ năng nghề nghiệp; công bằng xã hội trong giáo dục, bình đẳng giới cơ bản được bảo đảm; chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên; công tác quản lý giáo dục chuyển biến tích cực; đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo tăng nhanh về số lượng, đảm bảo về chất lượng; cơ sở vật chất, kỹ thuật của hệ thống giáo dục và đào tạo được quan tâm đầu tư và từng bước hiện đại hóa; xã hội hóa giáo dục và hợp tác quốc tế được đẩy mạnh.
Đến nay, toàn tỉnh có 443 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông với quy mô 6.656 lớp, gần 217 nghìn cháu mầm non, học sinh phổ thông. Giáo dục mầm non thu hút hơn 99,77% trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, giáo dục THCS.
Cùng số lượng, chất lượng giáo dục có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là giáo dục mũi nhọn; các chỉ số về phát triển giáo dục tiếp tục được nâng lên mức khá so với khu vực và mức trung bình của cả nước; tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường cao đẳng, đại học tăng; Yên Bái liên tục có thủ khoa các trường đại học lớn. Đặc biệt, năm 2015, tỉnh có học sinh đạt giải khuyến khích Olympic Vật lý khu vực châu Á - Thái Bình Dương; năm 2019, có học sinh đạt Huy chương Bạc Olympic Hóa học quốc tế tại Pháp.
Công tác phát triển giáo dục ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư, có những chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Yên Bái là một trong những tỉnh đầu tiên xây dựng thành công, hiệu quả các trường dân tộc bán trú. Toàn tỉnh hiện có 9 trường dân tộc nội trú, 54 trường phổ thông dân tộc bán trú, 50 trường có học sinh bán trú với tổng số gần 24 nghìn học sinh bán trú được hưởng chính sách hỗ trợ.
Gần 14 nghìn cán bộ, nhà giáo - một lực lượng đông đảo, quan trọng tạo ra sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo (GD-ĐT). Mỗi nhà giáo và cán bộ quản lý Yên Bái hôm nay đã ý thức rõ sứ mệnh thiêng liêng và trách nhiệm cao cả trong sự nghiệp "trồng người”; luôn khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, tích cực thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hưởng ứng các phong trào thi đua, cuộc vận động: "Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”,"Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, "Hai tốt”, "Giỏi việc trường, đảm việc nhà”…; luôn gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp, tác phong làm việc khoa học, dân chủ, hiệu quả, xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, thân thiện, nêu cao đạo đức, thanh danh nhà giáo.
Đến nay, 99,8% cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ chuyên môn chuẩn trở lên (trong đó trên chuẩn đạt tỷ lệ 64,4%); 374 cán bộ quản lý, giáo viên đã và đang tham gia đào tạo trình độ sau đại học (thạc sỹ 361; tiến sỹ 13); 201 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, chiếm 47,6%...
Trước yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đội ngũ các thầy giáo, cô giáo trong toàn tỉnh tiếp tục thường xuyên nâng cao đạo đức, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong sư phạm nhằm có đủ năng lực để viết tiếp "bản hùng ca” cho sự nghiệp "trồng người”, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho sự phát triển chung của tỉnh.
Minh Tư