Bên hành lang Quốc hội sáng 19-11, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi trao đổi một số thông tin về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào ngày mai (20-11).
|
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi.
|
Về bổ sung một ngày nghỉ lễ trong năm, trong thảo luận tại tổ và hội trường, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, nhiều đại biểu đề xuất sẽ chọn trong khoảng thời gian từ 1-5 đến 2-9. Một số ý kiến chọn ngày 28-6 với ý nghĩa tôn vinh Ngày Gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, ý kiến chọn ngày cận kề với 2-9 lại mang nhiều ý nghĩa hơn vì sẽ kéo dài thêm cho kỳ nghỉ lễ Quốc khánh của đất nước, giúp nhiều gia đình, người lao động có 2 ngày nghỉ ngơi, vui chơi cũng như có thêm thời gian chuẩn bị cho học sinh trước khai giảng năm học mới...
"Quốc hội đưa ra 2 lựa chọn là ngày 1-9 hoặc 3-9 và giao Chính phủ chọn một trong hai ngày này”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu.
Về đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về giảm giờ làm việc, từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, Quốc hội giao Chính phủ căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội, khi năng suất lao động tăng lên, người lao động có nhu cầu giảm giờ làm thì sẽ đánh giá tác động của việc giảm thời gian xuống, không phải chỉ 44 giờ/tuần mà có thể chỉ còn 40 giờ/tuần. Nhà nước khuyến khích chủ lao động và người sử dụng lao động thương lượng để giảm giờ làm việc từ 44 giờ/tuần xuống 40 giờ/tuần.
"Do đây là quy định mở nên các tổ chức công đoàn mạnh hoàn toàn có điều kiện để thương lượng chủ sử dụng lao động giảm thêm từ 4 giờ đến 8 giờ một tuần. Người lao động cũng có mong muốn và quyền của họ, nếu cần thiết thì họ sẽ nghỉ không lương”, ông Lợi khẳng định.
Một nội dung quan trọng khác là quy định về quyền nghỉ hưu sớm không còn giữ trong dự thảo Bộ luật. Khoản 2 dự thảo được tiếp thu, sửa đổi theo hướng người lao động làm việc trong điều kiện đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và những ngành nghề khác do Chính phủ quy định thì được giảm tối đa 5 năm, trừ trường hợp pháp luật quy định khác.
Ông Lợi thông tin thêm: "Một số trường hợp dù không lao động trong lĩnh vực, ngành nghề nặng nhọc, độc hại nhưng suy giảm khả năng lao động vẫn có khả năng cho nghỉ hưu sớm, ví dụ như công nhân ngành da giày, dệt may…”.
Ngoài ra, liên quan đến lao động nữ mang thai, làm việc ở vùng sâu vùng xa, dự thảo Bộ luật quy định cấm việc làm thêm giờ. Dự thảo Bộ luật cũng thiết kế theo hướng ưu tiên cho phụ nữ khi hết hợp đồng lao động nhưng mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ thì phải kéo dài hợp đồng hoặc ưu tiên ký kết hợp đồng mới.
(Theo HNMO)
Sáng 19/11, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Trấn Yên tổ chức Lễ ra mắt mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại xã Việt Thành.
Những năm qua, công tác tuyên truyền về chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) luôn được ngành y tế tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm, nhất là sau khi có Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, BHYT giai đoạn 2012 - 2020”.
Thực hiện các hoạt động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019, vừa qua Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ đã tổ chức buổi ngoại khóa truyền thông về chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em năm 2019.
Dù là xã khó khăn của huyện Yên Bình, nhưng từ xưa đến nay người dân Xuân Lai luôn có truyền thống hiếu học, thành tài, làm rạng danh quê hương. Truyền thống đó hôm nay lại càng được phát triển qua phong trào Xây dựng xã hội học tập, nổi bật trong đó là dòng họ Hoàng Hạc, dân tộc Tày.