Xác định tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh, bền vững, Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 1956/QĐ/TTg của huyện đã chỉ đạo, phối hợp với các tổ chức đoàn thể, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo chuyển dịch trong cơ cấu lao động để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm đã mở 123 lớp đào tạo nghề cho 3.687 học viên với kinh phí trên 4,6 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên 3,1 tỷ đồng, kinh phí địa phương trên 1,4 tỷ đồng. 98% số đối tượng học nghề chiếm 98% là người dân tộc thiểu số và hộ nghèo.
Huyện cũng phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái, Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ, Trường Cao đẳng Than khoáng sản Việt Nam đào tạo nghề theo hình thức xã hội hóa (liên kết đào tạo). Hàng năm, đào tạo nghề cho trên 300 học viên, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập để người dân từng bước thoát nghèo bền vững.
Ông Hoàng Anh Tuấn - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: "Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956 của huyện thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá với đơn vị hợp đồng qua các lớp học. Mọi chế độ của học viên được chi trả đầy đủ. Phần lớn các học viên sau khi học nghề đều phát huy được kiến thức vào phát triển kinh tế gia đình hay tìm kiếm được việc làm”.
Một trong những cách mang lại hiệu quả là thực hiện mô hình dạy nghề lưu động tại các xã và các thôn, bản. Điển hình như mô hình học nghề trồng nấm của 90 học viên xã Xà Hồ, Hát Lừu, thị trấn Trạm Tấu.
Mô hình chăn nuôi lợn tại xã Hát Lừu, thị trấn Trạm Tấu của 60 học viên. Các học viên sau khi học nghề đã đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn thương phẩm từ 3 đến 10 con/lứa, giá trị kinh tế mang lại cho nhiều gia đình từ 30 - 80 triệu đồng/năm.
Chủ động khắc phục khó khăn, thời gian tới, huyện Trạm Tấu tập trung triển khai thực hiện tốt kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, nhất là lao động dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo.
Mục tiêu hướng tới là tỷ lệ lao động nông thôn sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng với năng suất, thu nhập cao hơn trước đạt trên 90%, góp phần để mỗi năm huyện giảm trên 7% hộ nghèo.
Thạch Phong