Mù Cang Chải phát huy thế mạnh thể thao quần chúng

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/11/2019 | 8:03:11 AM

YênBái - Đến nay, số người tham gia tập luyện thể dục thể thao (TDTT) thường xuyên tính theo dân số huyện đạt trên 18%, toàn huyện đã thành lập được 45 câu lạc bộ và trên 130 đội thể thao.

Các môn thể thao dân tộc được đưa vào thi đấu trong các giải thể thao và các dịp lễ, hội của huyện thu hút đông đảo người dân tham gia.
Các môn thể thao dân tộc được đưa vào thi đấu trong các giải thể thao và các dịp lễ, hội của huyện thu hút đông đảo người dân tham gia.

Xác định phát triển TDTT nhằm góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực và chất lượng cuộc sống của nhân dân, chính quyền huyện Mù Cang Chải đã đề ra nhiều giải pháp nhằm phát triển phong trào tập luyện TDTT như: nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” nhằm thu hút đông đảo nhân dân tham gia tập luyện TDTT; gắn phát triển phong trào TDTT với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở” và chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng thời quan tâm giữ gìn và phát huy những giá trị thể thao dân tộc. 

Một trong những nội dung được quan tâm đó là công tác giáo dục thể chất và hoạt động TDTT trong trường học. Đến nay, 100% trường học trên địa bàn huyện Mù Cang Chải thực hiện chương trình giáo dục thể chất chính khóa và trên 75% số trường tổ chức hoạt động TDTT ngoại khóa. 

Thầy Nguyễn Đình Hưng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Mồ Dề, xã Mồ Dề cho biết: "Trước đây, các môn thể dục thường đơn điệu, gây nhàm chán cho học sinh. Những năm gần đây, các môn thể thao như: điền kinh, cầu lông, bóng chuyền hơi, kéo co, đẩy gậy, đá cầu, nhảy dây… được các em rất hưởng ứng, hứng thú tập luyện, tạo ra phong trào thể dục thể thao sôi nổi trong nhà trường. TDTT cũng rèn luyện cho học sinh tính kỷ luật cao, các em ít vi phạm nội quy nhà trường hơn, đồng thời cũng rèn luyện cho các em sức khỏe, thể lực hỗ trợ cho việc học các môn học khác được tốt hơn”. 

Để đẩy mạnh phát triển phong trào TDTT quần chúng, Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Mù Cang Chải chủ động tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch hoạt động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức nhiều hoạt động giao hữu thể thao giữa các cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và các xã, thị trấn. 



Công tác hướng dẫn và tổ chức giải bóng đá thanh, thiếu niên được huyện Mù Cang Chải tổ chức thường niên tạo sân chơi lành mạnh cho các em học sinh. 

Qua đó, phong trào TDTT của huyện ngày càng khởi sắc. Đến nay, số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên tính theo dân số huyện đạt trên 18%, toàn huyện đã thành lập được 45 câu lạc bộ (CLB) và trên 130 đội thể thao. 

Công tác tổ chức các giải tại cơ sở cũng như giải của huyện có sự tài trợ và đóng góp đáng kể của các tổ chức kinh tế - xã hội, các doanh nghiệp, các tập thể và cá nhân trong huyện. Hàng năm, huyện tổ chức từ 5 đến 7 giải thể thao thi đấu tại huyện và thành lập đoàn tham gia từ 2 đến 3 giải của tỉnh, đồng thời cử cán bộ về cơ sở hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các CLB, đội thể thao... 

Ông Trịnh Thế Bình - Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện cho biết: "Để phong trào TDTT từng bước đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hàng năm, Trung tâm đã phối hợp tổ chức những giải thi đấu thể thao như: giải bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân... Đặc biệt, nhiều môn thể thao dân tộc được đưa vào thi đấu trong các giải thể thao, hội khỏe và các dịp lễ, hội như bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, nhằm thu hút đông đảo người dân tham gia. Đã có nhiều CLB, đội thể thao trên địa bàn ra đời từ sự đam mê, tâm huyết của người dân như: CLB cầu lông, bóng chuyền hơi…”. 

Từ những hoạt động phong phú, đa dạng, phong trào TDTT quần chúng trong toàn huyện đã đi sâu vào đời sống xã hội, lan tỏa khắp các địa bàn dân cư, từ cơ quan, trường học đến các hộ gia đình, tạo sợi dây liên kết chặt chẽ, kết nối tinh thần đoàn kết trong cộng đồng nhân dân. Ý thức rèn luyện thân thể để bảo vệ sức khỏe của người dân ngày càng được nâng cao. Tùy theo từng độ tuổi và sở thích, mỗi người dân có thể tự lựa chọn cho mình những môn thể thao phù hợp. 

Tuy nhiên, do địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, ít có mặt bằng nên việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, sân chơi, bãi tập gặp nhiều khó khăn. Địa bàn dân cư không tập trung, trình độ dân cư còn thấp đã ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền lợi ích và tác dụng của việc tập luyện TDTT của người dân; cơ sở vật chất phục vụ hoạt động TDTT còn hạn chế. Hoạt động thể thao ở các xã, bản chủ yếu là luyện tập tại sân nhà văn hóa, sân trường học... 

Khai thác thế mạnh thể thao quần chúng ở địa phương, huyện tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới. 

Đồng thời, huyện cũng sẽ chú trọng công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng vận động viên có năng khiếu, tố chất ở các bộ môn thể thao dân tộc để tập luyện, bồi dưỡng cho đội tuyển của huyện, tỉnh; huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất cho phát triển TDTT; thực hiện tốt công tác xã hội hóa nhằm phát huy được mọi nguồn lực trong xã hội tham gia vào các hoạt động TDTT tại địa phương. 

Ông Vàng Bua Tủa - Chủ tịch UBND xã Púng Luông: 

"Mặc dù điều kiện kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn, song những năm qua, xã Púng Luông luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, đẩy mạnh phong trào rèn luyện TDTT, qua đó luôn nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của nhân dân trên địa bàn. 

Một điều rõ nhất, từ khi phong trào này được đẩy lên đã làm giảm thiểu rõ rệt các tai, tệ nạn xã hội, nhân dân tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa hoạt động TDTT được các địa phương quan tâm thực hiện. Đến nay, 8 bản trên địa bàn xã đều có đội thể thao thường xuyên luyện tập TDTT, trong đó tập trung vào các môn thể thao dân tộc như: bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, bóng đá là các môn thế mạnh tại địa phương. 

Bên cạnh đó, xã thường xuyên tổ chức giao lưu thể thao giữa các bản, từ đó lựa chọn nhân tố tham gia thi đấu các giải của khu dân cư, của huyện trong các dịp lễ hội”.

Ông Nguyễn Vinh Quang - công chức văn hóa thị trấn Mù Cang Chải: 

"Thị trấn hiện có trên 1.500 người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên. Một số người dân tự phát đứng ra thành lập một số CLB, đội thể thao như: CLB bóng bàn, bóng chuyền nam, bóng chuyền hơi, cầu lông, hoạt động tích cực, thường xuyên tổ chức giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và tham gia thi đấu các giải của tỉnh, huyện. Hàng năm, thị trấn thường xuyên tổ chức các giải đấu chào mừng ngày thành lập huyện, thị trấn. Vừa qua, thị trấn đã tổ chức thành công giải bóng chuyền, thi đấu kéo co, các nội dung nam, nữ của 5 tổ với sự tham gia của 20 đội chào mừng Ngày Đại đoàn kết toàn dân, nhằm tạo sân chơi lành mạnh, khí thế vui tươi, phấn khởi thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo trong nhân dân”.

Anh Hờ A Tính - vận động viên môn đẩy gậy xã Cao Phạ: 

"Môn đẩy gậy dễ chơi và ai cũng có thể chơi được vì không phải đầu tư nhiều dụng cụ. Năm 2018, cùng đoàn thể thao của huyện tham gia tại Đại hội TDTT của tỉnh, tôi đã giành giải Ba môn này ở hạng cân 55 - 60 kg. Để có được thành tích như vậy, tôi vẫn thường xuyên luyện tập và tích cực tham gia các giải thể thao của xã, huyện tổ chức. Qua các giải đấu giúp tôi tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng và tự mình khắc phục những hạn chế để có được kết quả thi đấu tốt nhất. Từ phong trào của địa phương đã rèn luyện sức khỏe bản thân, quan trọng hơn góp phần cùng giữ gìn bộ môn thể thao truyền thống của dân tộc”.

Vũ Đồng

Tags Mù Cang Chải phát huy thế mạnh thể thao quần chúng

Các tin khác

Chỉ với những viên phấn giản dị, mộc mạc nhưng trong mỗi nét vẽ lại chứa đựng tình cảm trong sáng ấm áp và tràn đầy sự biết ơn công lao vất vả của thầy cô. 26 bức tranh là 26 ý tưởng, cách vẽ khác nhau, nhưng tựu chung lại đều thể hiện những thông điệp tình cảm tự đáy lòng các em gửi tới các thầy cô.

Công an xã Kiên Thành tiếp nhận vũ khí giao nộp.

Để an ninh nông thôn được đảm bảo, việc quản lý chặt chẽ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được xem như một trong những biện pháp ngăn chặn từ gốc các vụ việc phức tạp có thể xảy ra.

Cán bộ Trung tâm GDNN - GDTX huyện Trạm Tấu hướng dẫn học viên học nghề sửa chữa xe máy.

Huyện Trạm Tấu có trên 77% dân số là đồng bào dân tộc Mông, thu nhập chính chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp.

Tiến sĩ Hóa học gốc Việt Nguyễn Thị Mai Thi (phải) vừa đạt giải thưởng truyền hình Hanns-Joachim--Friedrichs tại Đức.

Nguyễn Kim Mai Thi (32 tuổi), tiến sĩ Hóa học gốc Việt vừa được giải thưởng truyền hình nước Đức mang tên Hanns-Joachim-Friedrichs vinh danh vì đã có công truyền bá khoa học trên truyền hình, internet.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục