Đáng chú ý, việc điều trị người bệnh chuyển đổi điều trị từ viện trợ sang bảo hiểm y tế với hơn 40.000 người bệnh đang nhận thuốc ARV qua bảo hiểm y tế. Hiện nay, dịch HIV/AIDS đã và đang có xu hướng giảm, tuy nhiên tốc độ giảm đang chậm lại.
Bên cạnh đó, tỷ lệ mắc HIV trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM) đang có xu hướng gia tăng và tỷ lệ mắc mới HIV trong nhóm này cao nhất trong các nhóm nguy cơ cao…
Với chủ đề Cùng hành động để kết thúc đại dịch HIV/AIDS, Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS diễn ra từ ngày 10/11 đến 10/12 và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1/12 nhằm thực hiện các mục tiêu 90-90-90 và các mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, tiến tới kết thúc đại dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.
Trong đó, tập trung vào các mục tiêu: huy động sự tham gia của các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách và toàn thể cộng đồng tham gia để đạt được các mục tiêu 90-90-90 (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình; 90% số người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 90% số người đang được điều trị có tải lượng HIV ở mức thấp) và mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS.
Để đạt được các mục tiêu đề ra cần có những giải pháp cụ thể, thiết thực của các cấp, các ngành và cả cộng đồng. Trong đó, tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS; bảo đảm đạt 100% bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV; bảo đảm dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS cho người dễ tổn thương, có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, cần tránh kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS; tập trung tuyên truyền mạnh hơn nữa vào các nhóm có nguy cơ cao; nhất là nhóm MSM. Đáng chú ý, tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, nâng cao chất lượng dịch vụ dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS.
Vấn đề quan tâm là cần tập trung thúc đẩy có hiệu quả hơn nữa các phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS. Ngành y tế, các cấp, các ngành và các địa phương tích cực triển khai các giải pháp để tiến tới nâng cao nhận thức nhằm thay đổi hành vi có hại; thực hiện hành vi an toàn trong dự phòng lây nhiễm, tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và ngược lại trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.
Giới thiệu, quảng bá rộng rãi về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ xét nghiệm, nhất là xét nghiệm tại cộng đồng; các cơ sở cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị sẵn có tại địa phương, đơn vị để người nhiễm HIV và người bệnh AIDS dễ dàng tiếp cận và sử dụng.
B.T