Hiện nay, tỉnh Yên Bái có 1 văn phòng TVPL, 11 tổ TVPL, 78 cán bộ công đoàn được giao nhiệm vụ TVPL.
Trong đó, cán bộ công đoàn chuyên trách 23 đồng chí. Bên cạnh kiện toàn và bổ sung quy chế hoạt động của Văn phòng TVPL Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, các tổ TVPL các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, việc đa dạng hóa nội dung, phương thức, phạm vi hoạt động TVPL, tập trung hoạt động TVPL tại nơi ở, nơi làm việc của đoàn viên, người lao động (NLĐ), tư vấn trực tiếp, gián tiếp đã góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động pháp luật của công đoàn trong việc tham gia xây dựng pháp luật, chính sách đối với Nhà nước; trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách của người sử dụng lao động và các cơ quan Nhà nước; tăng cường vai trò đại diện, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân viên chức, lao động (CNVCLĐ).
Trong năm 2019, các cấp công đoàn đã có 221 cuộc TVPL cho 432 NLĐ; tiếp nhận 6 đơn đề nghị của 28 đoàn viên và NLĐ, đã tham mưu văn bản trả lời 5 đơn, 1 đơn đang xem xét trả lời…
Đồng chí Phạm Duy Hiển - Trưởng ban Chính sách - Pháp luật, LĐLĐ tỉnh cho biết: "Chúng tôi tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 10b ngày 12/1/2017 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam (khóa XI) về nâng cao hiệu quả công tác pháp luật của tổ chức công đoàn trong tình hình mới.
Trọng tâm là nâng cao hiệu quả hoạt động của Văn phòng TVPL LĐLĐ tỉnh và các tổ TVPL công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Đây cũng là hoạt động cụ thể trong thực hiện Chương trình số 2494 ngày 19/12/2018 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về Chương trình nâng cao hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ đại diện cho NLĐ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, giai đoạn 2018 - 2023”.
Đẩy mạnh hoạt động TVPL, trợ giúp pháp lý, các cấp công đoàn Yên Bái đã phát triển nhiều hình thức tư vấn linh hoạt, phù hợp với yêu cầu của từng lĩnh vực và từng đối tượng, hướng mạnh hoạt động TVPL về cơ sở, tập trung vào NLĐ trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và công nhân viên chức lao động trẻ.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật trong CNVCLĐ được đa dạng hoá hình thức, nội dung sát thực với từng đối tượng.
Qua đó, nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của CNVCLĐ trước người sử dụng lao động, trong quá trình tham gia tố tụng và trước các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Các cấp công đoàn còn triển khai tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật cho đoàn viên, NLĐ thực hiện theo phần mềm TVPL của Tổng LĐLĐ Việt Nam, kết hợp tư vấn qua trang thông tin điện tử...
Khi đoàn viên công đoàn yêu cầu hoặc NLĐ đề nghị TVPL về lao động, công đoàn, công đoàn nơi tiếp nhận đã đề cao trách nhiệm xem xét, đáp ứng yêu cầu của đoàn viên và NLĐ. Với LĐLĐ huyện Lục Yên, trong 9/2019, đã tiếp và TVPL cho 8 lượt đoàn viên và NLĐ về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quyền lợi của đoàn viên công đoàn.
Công đoàn ngành giáo dục Yên Bái đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở tăng cường công tác TVPL, trợ giúp pháp lý cho cán bộ, nhà giáo, NLĐ. Các ý kiến, tâm tư, vướng mắc của cán bộ, nhà giáo, NLĐ được tổ tư vấn giải đáp, làm rõ, hướng dẫn và tư vấn xử lý kịp thời…
Qua đó, nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra gắn liền với tuyên truyền, hướng dẫn thi hành pháp luật lao động, pháp luật công đoàn và các chế độ, chính sách liên quan đến CNVCLĐ và tổ chức công đoàn; kiến nghị với Nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật và cơ chế chính sách; kiên quyết đề nghị xử lý nghiêm khắc những hành vi vi phạm pháp luật…, hoạt động TVPL của các cấp công đoàn trong tỉnh đã góp phần giữ vững trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực lao động và công đoàn, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, phát triển.
Khánh Linh