Là tỉnh miền núi có 2 huyện nghèo 30a nằm trong số 62 huyện nghèo của cả nước, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt là vùng cao, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc (DTTS) còn nhiều lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, việc nâng cao chất lượng công tác dân số của tỉnh Yên Bái đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là vùng DTTS tiềm ẩn nguy cơ tảo hôn cao.
Thống kê đến cuối năm 2018, số hộ nghèo toàn tỉnh còn 37.634 hộ, chiếm tỷ lệ 17,68%, trong đó số hộ nghèo dân tộc thiểu số là 30.581 hộ, chiếm tỷ lệ 81,26% trong tổng số hộ nghèo. Riêng 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải tỷ lệ hộ nghèo còn cao (huyện Trạm Tấu 52,85%, huyện Mù Cang Chải 51,66%).
Phong tục kết hôn sớm, đẻ tại nhà, trong đó chiếm tới 90% gia đình người Mông có thói quen đẻ tại nhà hay muốn có nhiều con, nhất là vùng đồng bào DTTS 2 huyện đặc biệt khó khăn Trạm Tấu và Mù Cang Chải đã ảnh hưởng đến công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.
Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được triển khai thực hiện, năm 2019, các ngành chức năng của tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền can thiệp giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 24 xã của huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu.
Theo đó, hai địa phương đã tổ chức các chiến dịch truyền thông lồng ghép với tuyên truyền các nội dung liên quan tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại địa bàn chiến dịch; cung cấp gần 1.500 tờ rơi tại các địa bàn triển khai mô hình. Tại huyện Trạm Tấu, 3 câu lạc bộ phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết trên địa bàn được duy trì hoạt động hiệu quả. Tín hiệu đáng mừng là toàn tỉnh không xảy ra trường hợp hôn nhân cận huyết thống.
Song, tình trạng tảo hôn khó kiểm soát. 6 tháng đầu năm 2019, số cặp tảo hôn và có dấu hiệu tảo hôn tại huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải còn khá cao, trên 150 cặp (hiện tại số cặp này chưa đăng ký kết hôn, chưa tổ chức đám cưới); trong đó, huyện Trạm Tấu có 45/152 cặp kết hôn, chiếm 29,6% trong tổng số kết hôn là tảo hôn.
Huyện Mù Cang Chải với trên 90% là đồng bào dân tộc Mông, công tác dân số cũng gặp trở ngại nhất định. Như chia sẻ của lãnh đạo Phòng Dân số huyện thì đó là tình trạng tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn ở mức cao; việc giảm tỷ lệ sinh còn chậm, tảo hôn còn nhiều. Năm 2019, huyện duy trì đạt kế hoạch phát triển dân số tự nhiên với tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,5%; tỷ lệ cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 63%. Toàn huyện có 405 cặp vợ chồng kết hôn, trong đó có 95 cặp tảo hôn, chiếm 23,4%. Mặc dù so với năm 2018, tỷ lệ tảo hôn đã giảm 3,8%, tuy nhiên tình trạng này rất khó kiểm soát, bởi trên thực tế, dù không đăng ký kết hôn, chưa tổ chức đám cưới nhưng nam nữ chưa đủ tuổi kết hôn vẫn qua lại hai bên gia đình, tiềm ẩn nguy cơ tảo hôn và mang thai tuổi vị thành niên cao, ảnh hưởng đến chất lượng dân số.
Bên cạnh đó, toàn huyện vẫn còn tới 243 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên... Thống kê trên địa bàn toàn tỉnh 9 tháng năm 2019, có 1.063 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 11,2%, tuy giảm 113 trẻ so với cùng kỳ năm 2018, song đối với địa bàn vùng cao tỷ lệ này còn cao.
Quan điểm Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới là tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Một trong những giải pháp then chốt được ngành dân số tỉnh tập trung đó là đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động về dân số và phát triển. Theo đó, đa dạng hóa các kênh truyền thông, truyền tải những thông điệp phù hợp tới từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền, từng bước đạt tới những mục tiêu chung của công tác dân số.
P.V