Ngày 17/12, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã tổ chức buổi thảo luận chuyên đề về "Tìm kiếm các giải pháp cho Đại dương không rác thải”. Cuộc thảo luận này nhằm nâng cao nhận thức về mức độ nghiêm trọng của vấn đề nhựa đại dương trên thế giới và ở Việt Nam, cũng như đã đề cập tới những gì hoạt động mà Mỹ, khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và những cá nhân có liên quan đang làm để giải quyết vấn đề này.
Đại diện cơ quan ngoại giao Mỹ, Tổng lãnh sự Mỹ tại thành phố Hồ Chí Minh Marie C. Damour cho biết bà vui mừng cam kết mạnh mẽ của chính phủ Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường với hàng chục vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên được thành lập trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, bà Damour cũng chỉ ra rằng Việt Nam đang đối mặt với tình trạng rác thải nhựa gia tăng và điều này gây nguy cơ gây ra nguy cơ tàn phá môi trường. Bà cũng dẫn một thống kê cho rằng lượng tiêu thụ nhựa trên đầu người của người dân Việt Nam cũng đang gia tăng trong những năm qua.
Nhà ngoại giao Mỹ nói rằng, trên thế giới, cái giá phải trả cho tình trạng ô nhiễm nhựa đại dương ngày càng lớn. Một nghiên cứu mới nhất ước tính thiệt hại do rác thải nhựa gây ra với các ngành nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, giải trí lên tới 2.500 tỷ USD mỗi năm. Con số này chưa tính đến tác động tiêu cực thứ cấp tới các ngành du lịch, giao thông vận tải cũng như tới sức khỏe. Rác thải nhựa được cho là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các bệnh ung thư, tim mạch, dị tật khi sinh.
Bà Damour cho rằng để giải quyết vấn đề rác thải nhựa hiệu quả thì mọi đơn vị từ cấp chính phủ, khu vực tư nhân, tổ chức phi chính phủ cho tới người dân đều có vai trò và trách nhiệm. Mỹ trong nhiều năm qua đã phối hợp trong nước cũng như quy mô toàn cầu với các đối tác để giảm thiểu phát thải rác nhựa ở đại dương thông qua các mô hình hợp tác đa phương như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương APEC.
Với kinh nghiệm thực hiện nhiều dự án ở Mỹ, Washington đã và đang hỗ trợ cho các chương trình giảm rác thải nhựa ở Việt Nam thông qua hàng loạt chương trình khác nhau.
Phát biểu tại hội thảo, bà Chever X. Voltmer, Giám đốc Sáng kiến về Nhựa tại tổ chức Ocean Conservancy (Bảo tồn Đại dương) dẫn một nghiên cứu của đơn vị này nói rằng châu Á hiện là một trong những khu vực có tình trạng phát thải ra đại dương lớn nhất. Nguyên nhân được đưa ra là do tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ của khu vực dẫn tới gia tăng xu hướng tiêu dùng trong khi hạ tầng quản lý rác thải ra đại dương còn hạn chế.
Với sự hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao Mỹ, tổ chức Bảo tồn Đại dương đã, đang và sẽ tổ chức 2 dự án tại Việt Nam liên quan tới giảm thiểu rác thải nhựa. Một trong những dự án đó là một bộ công cụ nhằm giúp cộng đồng địa phương đánh giá thực trạng của họ về vấn đề rác thải nhựa và tham vấn các giải pháp cần có dựa trên kinh nghiệm tích lũy lâu năm từ tổ chức.
Ngoài ra, bà Voltmer cũng đánh giá cao Việt Nam về mặt chính sách với rác thải nhựa. Bà đã gửi lời chúc mừng tới Việt Nam đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia về rác thải nhựa, trở thành quốc gia thứ 2 ở ASEAN thực hiện được điều này.
Bà Voltmer nhấn mạnh rằng mục tiêu của tổ chức Bảo tồn Đại dương không chỉ nhằm giúp Việt Nam xây dựng kế hoạch hành động mà còn muốn giúp Việt Nam triển khai kế hoạch để thành quốc gia tiên phong trong khu vực về kiểm soát rác thải nhựa.
Đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ USAID Brittany Thomas đã giới thiệu về những dự án mà tổ chức trực thuộc chính phủ liên bang Mỹ này đã thực hiện để hỗ trợ Việt Nam trong việc giảm phát thải nhựa ra môi trường.
Cụ thể, USAID đã chi 1,4 triệu USD viện trợ không hoàn lại cho chương trình "Tái chế rác thải đô thị” (MWRP) triển khai tại 8 điểm từ Vịnh Hạ Long, Nam Định, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Thành phố Hồ Chí Minh và Phú Quốc. MWRP có mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa bằng cách hỗ trợ hệ thống quản lý rác và tái chế rác tại đô thị.
Ngoài ra, USAID cũng chi 48 triệu USD cho chương trình "Đại dương xanh, thành phố sạch” cho hàng loạt các nước từ châu Á, Mỹ Latin tới khu vực Caribe, trong đó có Việt Nam. Mục tiêu của sáng kiến này nhằm thúc đẩy các hoạt động hạn chế rác nhựa đại dương, thúc đẩy chương trình 3R nhằm giảm phát thải nhựa.
Hội thảo cũng có sự đóng góp ý kiến của bà Nguyễn Ngọc Lý từ Trung tâm nghiên cứu cộng đồng và môi trường (Hà Nội). Bà đưa ra đề xuất rằng chính phủ nên có những ghi nhận về mặt pháp lý cũng như chính sách hỗ trợ với những người làm nghề thu gom phế liệu vì họ là một phần trong nỗ lực phân loại và tái chế rác thải nhựa trong bối cảnh họ đang phải chịu những mặc cảm về mặt xã hội và rủi ro về sức khỏe khi làm nghề.
Các diễn giả trong buổi hội thảo bày tỏ lạc quan về viễn cảnh thành công trong việc xử lý rác thải nhựa ở Việt Nam trong thời gian tới do có sự tham gia từ của chính phủ, khu vực công, khu vực tư nhân cũng như sự thay đổi trong thói quen của người dân với mục đích bảo vệ môi trường sống cho thế giới hiện tại và thế hệ tương lai.
(Theo Dân Trí)