Để văn hóa trở thành nguồn lực và động lực phát triển

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/12/2019 | 11:05:13 AM

YênBái - Thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, những năm gần đây, việc xây dựng môi trường văn hóa trong cộng đồng, cơ quan, gia đình, trường học… được tỉnh Yên Bái quan tâm thực hiện xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở.

Phụ nữ thị xã Nghĩa Lộ trồng hoa làm đẹp các tuyến đường khu dân cư.
Phụ nữ thị xã Nghĩa Lộ trồng hoa làm đẹp các tuyến đường khu dân cư.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã tập trung đẩy mạnh Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với nhiều cách làm hay, sáng tạo, có sức lan tỏa, được các cấp, các ngành và nhân dân tích cực hưởng ứng. Nếu năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 158.767/208.245 hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa (đạt 76,2%); 1.315/2.263 làng, bản, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa (đạt 58%), 1.069/1.332 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa (đạt 80%). 

Có 83 xã đăng ký xây dựng văn hóa nông thôn mới, 19 phường, thị trấn đăng ký xây dựng văn minh đô thị; có 17 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 9 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Thì năm 2019, tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa đạt trên 78%; tỷ lệ làng bản, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa đạt khoảng 65%; tỷ lệ cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hóa khoảng 85%. 

Thực hiện phong trào, nhân dân tự nguyện đóng góp tiền, của, ngày công lao động để cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xóm và các công trình phúc lợi khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí tại địa phương. 

Phong trào đã làm thay đổi bộ mặt từ vùng thấp đến vùng cao, trong đó đặc biệt khu vực nông thôn, kinh tế không ngừng phát triển, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao, các thiết chế văn hóa được quan tâm xây dựng, tình làng nghĩa xóm được củng cố; các hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ, công tác xây dựng cảnh quan môi trường được khang trang xanh - sạch - đẹp. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ý thức của người dân về chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ngày càng nâng cao. 

Xây dựng nếp sống văn hóa, thực hiện nghiêm túc Quyết định số 26/QĐ-UBND, ngày 23/7/2012 của UBND tỉnh, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trong nhân dân có chuyển biến rõ nét. Việc cưới, việc tang được tổ chức cơ bản phù hợp với đặc điểm, điều kiện, phong tục tập quán tốt đẹp của từng địa phương, dân tộc. 

Các hủ tục lạc hậu trong cưới xin (thách cưới, ép duyên…), ma chay (để thi thể lâu ngày, cúng ma…) được đẩy lùi; tình trạng tảo hôn giảm đáng kể. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội được thực hiện đúng quy định, đảm bảo trang trọng, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với quy mô, nội dung lễ hội; các nghi lễ được thực hiện trang nghiêm, bảo đảm truyền thống góp phần giáo dục, định hướng con người hình thành các hành vi, thái độ, nhận thức cao đẹp. 

Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, việc tổ chức các hoạt động biểu dương gia đình văn hóa, dòng họ hiếu học hàng năm đã góp phần tôn vinh gia đình văn hóa, đề cao các giá trị tốt đẹp của truyền thống gia đình. 

Xây dựng môi trường văn hóa công sở, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức ký cam kết thực hiện các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Nhà nước. 

Các trường học phát động thực hiện "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức và sáng tạo”… Từ xây dựng lối sống văn hóa, đã xuất hiện hàng vạn tấm gương của nhân dân trong cuộc chiến chống đói nghèo và lạc hậu. Xuất hiện hàng nghìn bông hoa "người tốt, việc tốt” điển hình tiên tiến học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân trên tất cả các lĩnh vực, từ đó góp phần làm thay đổi quê hương. 

Tiêu biểu trong đó là Nguyễn Đình Hoàng - học sinh lớp 12 Hóa, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành là học sinh đầu tiên mang về Huy chương Bạc kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế năm 2019 làm rạng danh quê hương…

Bên cạnh những kết quả đạt được, do là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn; đông đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều, một số phong tục, tập quán lạc hậu còn tồn tại. Bên cạnh đó, một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương có lúc, có nơi chưa quan tâm đúng mức đến việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng ở cấp mình; việc thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng về lĩnh vực văn hóa còn chậm, chưa kịp thời với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Sự phối hợp của các ngành thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở một số địa phương thiếu chặt chẽ, chưa thường xuyên. 

Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo quản lý chưa phát huy vai trò gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, chạy theo lợi ích cá nhân, làm giảm lòng tin của nhân dân. Việc giáo dục đạo đức lối sống cho thanh niên, học sinh, sinh viên chưa thực sự thường xuyên, có biểu hiện lơ là trong việc phối hợp giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội... 

Những yếu kém trên cộng với tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, quá trình giao lưu hội nhập phần nào làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân chạy theo giá trị vật chất, ít chú trọng đến việc gìn giữ, phát huy giá trị tốt đẹp của dân tộc... 

Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển, trong đó có kinh tế. Để việc xây dựng môi trường văn hóa trong cộng đồng, cơ quan, gia đình trường học và phát huy truyền thống gia đình, dòng họ; giáo dục đạo đức, lối sống trong xây dựng môi trường văn hóa là động lực phát triển, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Yên Bái sẽ tiếp tục quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Chương trình 85-CT/TU của Tỉnh ủy Yên Bái thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong đó, có việc triển khai thực sự hiệu quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2020 với nội dung "Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”, xây dựng con người Yên Bái với những phẩm chất tiêu biểu: "Tự tôn, tự trọng, tự hào, nhân ái, nghĩa tình, thân thiện, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”, góp phần đưa Yên Bái thành tỉnh phát triển bền vững, thành vùng quê đáng sống.

Đình Tứ

Các tin khác
Thủ trưởng Bộ CHQS tỉnh và cán bộ, đoàn viên tham quan giá sách pháp luật

Sáng 19/12, Đoàn thanh niên Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Tọa đàm "Tuổi trẻ nói "không” với vi phạm pháp luật, kỷ luật".

Quang cảnh Hội nghị.

Kết quả chính thức Tổng điều tra dân số và nhà ở vào 0 giờ ngày 01/4/2019 cho thấy: Tổng số dân của Việt Nam là 96.208.984 người; trong đó, dân số nam là 47.881.061 người, chiếm 49,8% và dân số nữ là 48.327.923 người, chiếm 50,2%.

Theo dự báo, mùa đông năm nay, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp. Vùng núi, vùng cao còn nhiều đợt rét đậm, rét hại, sương muối, băng giá kèm theo ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và sinh hoạt của người dân nói chung và học sinh nói riêng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục