\Văn Yên hiện có 27 trường có bậc tiểu học, tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ ngày đạt 77,5%; tỷ lệ học sinh học Tin học đạt 27,4%, Tiếng Anh đạt 58,4%...
Qua rà soát, huyện chủ yếu thiếu phòng học, các thiết bị phòng học phục vụ cho môn Tin học, Ngoại ngữ, phòng học văn hóa, phòng học bộ môn, các thiết bị dạy học... Phòng GD-ĐT huyện Văn Yên đã xây dựng lộ trình nhu cầu đầu tư, theo đó năm học 2020 - 2021 là năm học đầu tiên thực hiện chương trình GDPT mới, huyện cần đầu tư 1 phòng học tin học, 1 phòng học ngoại ngữ, 1 bộ thiết bị phòng tin học và 1 bộ thiết bị phòng ngoại ngữ, 97 bộ thiết bị dạy học tối thiểu cho bậc tiểu học. Hẳn nhiên những năm học tiếp theo, số lượng các khối lớp thực hiện chương trình GDPT mới được nâng lên thì nhu cầu đầu tư cũng theo đó tăng lên để phù hợp với việc thực hiện chương trình.
Cùng với đó, công tác chuẩn bị nguồn nhân lực cũng được huyện chú trọng. Toàn bộ giáo viên chuẩn bị cho dạy lớp 1 và các cán bộ quản lý các trường phổ thông đã được tập huấn về chương trình GDPT mới.
Ông Phạm Xuân Sơn - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Văn Yên cho biết: "Huyện đã chỉ đạo các trường tuyên truyền, triển khai các văn bản chỉ đạo của ngành, của huyện tới 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh học sinh về chương trình GDPT mới. Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo rà soát, tính toán, sắp xếp giáo viên đúng ban môn, cơ cấu, đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình. Năm học 2020 - 2021 ưu tiên bố trí đủ số phòng học khối lớp 1, đảm bảo 100% học sinh lớp 1 năm học 2020 - 2021 được học 2 buổi/ ngày. Về thiếu giáo viên bộ môn Tiếng Anh, Tin học, Phòng cũng kiến nghị tuyển thêm, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng phục vụ cho GDPT mới”.
Để có được sự chủ động, cũng như sự chuẩn bị kịp thời cho việc triển khai chương trình GDPT mới tại các địa phương, ngành GD-ĐT Yên Bái đã kịp thời có những tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo tập trung chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, thực hiện chương trình GDPT mới đạt hiệu quả.
Ngành cũng đã rà soát cơ sở vật chất, thiết bị để tham mưu đầu tư xây dựng, mua sắm hàng năm, đảm bảo cho thực hiện chương trình GDPT mới theo lộ trình quy định. Hiện tại, toàn tỉnh có 2.593 phòng học cấp tiểu học đạt 0,97 phòng/ lớp. Tỷ lệ phòng học kiên cố cấp tiểu học đạt 79%, THCS đạt 92,1%, THPT đạt 92,7%. Số phòng học để đáp ứng cho thực hiện đổi mới cấp THCS và THPT cơ bản đảm bảo, cần đầu tư xây dựng phòng học cấp tiểu học để đảm bảo đủ 1 phòng/ lớp, thực hiện dạy 2 buổi/ ngày.
Tuy nhiên, số phòng học tin học, ngoại ngữ và các thiết bị dạy học còn thiếu nhiều. Toàn ngành có 6.023 máy tính, trong đó có 4.200 máy phục vụ học tập, 1.052 máy chiếu, 2.025 thiết bị dạy học tối thiểu. Tỷ lệ học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 được học Ngoại ngữ, Tin học mới chỉ đạt trên 50%, trong khi đó theo chương trình GDPT mới thì tỷ lệ này phải đạt 100%.
Do vậy, tính toán sơ bộ trong giai đoạn 2020 - 2025, toàn tỉnh cần đầu tư 342 phòng học văn hóa cho cấp tiểu học, 247 phòng học tin học. Tổng kinh phí đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở vật chất từ năm 2020 đến năm 2025 ước tính gần 1.900 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ngành cũng đã có sự chuẩn bị về đội ngũ. Toàn ngành hiện có 13.853 lao động, trong đó giáo viên phổ thông là 7.806 người, so với định mức còn thiếu 2.070 người (thiếu 573 giáo viên phổ thông).
Cơ cấu giáo viên một số nơi còn mất cân đối, đặc biệt là thiếu giáo viên ở các môn học mới. Để khắc phục tình trạng thiếu và mất cân bằng về đội ngũ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị sắp xếp trong nội bộ nhà trường; thực hiện điều động giữa các trường trong phạm vi địa phương đảm bảo cân đối về số lượng, cơ cấu.
Ngoài ra, ngành cũng xây dựng kế hoạch tập huấn cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên hàng năm theo đúng hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Riêng năm 2019, cử 379 lượt cán bộ quản lý, giáo viên tham gia tập huấn tại Bộ GD-ĐT; Sở GD-ĐT cũng tổ chức 20 lớp tập huấn cho 728 cán bộ quản lý từ cấp tiểu học đến THPT và 763 giáo viên lớp 1.
Đến nay, công tác chuẩn bị cho thực hiện chương trình GDPT mới được ngành GD-ĐT triển khai thực hiện bài bản dưới sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đặc biệt, những năm qua, ngành GD-ĐT Yên Bái đã chỉ đạo áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học mới; thực hiện đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh theo hướng phát triển năng lực…
Đây là bước đệm quan trọng khi bước vào triển khai áp dụng chương trình GDPT mới.
Minh Tư