Giữa mịt mù sương, mịt mù khói tỏa, nhấp một ngụm trà mà thấy ấm, thấy rạo rực, thấy xốn xang trong người. Ấy, chỉ có thể là hạnh phúc, là niềm vui trong ngày Tết được trở lại Suối Giàng (Văn Chấn).
Tiết xuân ở Suối Giàng, mây giăng giăng, bay bay ôm ấp những nếp nhà, những gốc chè cổ thụ chỉ thấy một màu huyền ảo. Cổ xưa và hôm nay như hòa quyện trong nhau, tạo ra một mùa xuân, một tấm lòng xuân, một sức trẻ mùa xuân trên nền tảng của văn hóa Mông có hàng trăm tuổi chè, tuổi đời.
Quả đúng thế, ngày xuân nơi đây mới tràn trề sức sống biết bao. Từ chân đèo lên đến đỉnh dốc, mỗi lối đi hay ngả đồi, dưới mặt đất và trên mỗi nhành cao cao đều rực rỡ sắc màu của hoa rừng, hoa đào, hoa tớ dày, hoa mơ, hoa mận… những chàng trai, cô gái Mông xập xòe váy hoa, tay trong tay cùng nhau đi hội. Nghe văng vẳng tiếng kèn lá thiết tha, tiếng khèn Mông trầm hùng mà bi tráng trong văn hóa vài trăm năm của người Mông ...
Xoay xoay chén trà, hít hà hương vị thơm ngát ấy mà lòng chợt ngẩn ngơ. Ảo giác hay một tri thức nào đó như nhắc nhớ. Đúng rồi! Viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô (cũ), ông M.K Djemukhatze từ những năm 1960 đã ưu ái dành những lời nhận xét này cho chè Suối Giàng: "Tôi đã đi qua 120 nước có cây chè trên thế giới nhưng chưa thấy ở đâu có cây chè lâu năm như ở Suối Giàng, phải chăng đây là nơi phát tích của cây chè? Chè ở đây độc đáo, trong bát nước chè xanh có đủ 18 vị đầu đẳng của chè thế giới” (trích từ sổ lưu niệm ở xã Suối Giàng).
Thế mới biết, Suối Giàng - nơi cây chè cổ sinh ra, khiến lòng người mê mẩn, khiến trí tưởng tượng bay bổng ngỡ như đã sống lại một thời hồng hoang như hoang tưởng; nơi có những người Mông đầu tiên tìm đến đây và ở lại, nơi có những ngôi nhà cổ, những dòng họ Giàng, Vàng, Sổng… cắm đất, cắm bản sinh ra cùng chè, lớn lên cùng chè, đến khi nhắm mắt nằm lại cùng chè; nơi những điệu múa, lời ca cùng tiếng khèn tồn tại mãi với thời gian, trở thành một nét văn hóa đậm đà, bản sắc.
Suối Giàng - mùa xuân, một mùa xuân trọn vẹn, một mùa xuân ngọt ngào tưởng như chẳng có thứ gì ngọt ngào hơn, trọn vẹn hơn bởi Suối Giàng đang mở ra một hướng đi, một mục tiêu phát triển với định hướng đầy khả quan, mang sức xuân trí tuệ vào cuộc sống.
Suối Giàng được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng làng cổ văn hóa dân tộc Mông thôn Pang Cáng gắn với du lịch cộng đồng; quảng bá vẻ đẹp kỳ vĩ của thác nước Tập Lăng 1; đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái, hỗ trợ 7 hộ làm nhà cửa khang trang tiếp đón khách du lịch tham quan lưu trú; phát triển các sản phẩm văn hóa và ẩm thực...
Cùng đó, huyện Văn Chấn đẩy mạnh xây dựng không gian văn hóa trà và bản sắc làng du lịch sinh thái người Mông ở Suối Giàng. Đó là quyết tâm, là chương trình phát triển du lịch, trọng tâm, hướng kết nối các tour, tuyến, xây dựng thương hiệu du lịch đặc thù của tỉnh Yên Bái và huyện Văn Chấn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Ngày xuân ở Suối Giàng dường như rất ngắn, thoáng đó mà hoàng hôn bao phủ. Tiếng hát giao duyên từ đâu đó ngân lên; âm vang kèn lá như gọi trăng non lấp ló; tiếng ngọt ngào, đắm say của khèn càng như gọi tình yêu xuống núi… Trong thanh âm vi diệu ấy, hội Gầu tào, hội xuống đồng, hội nhảy lửa mùa xuân, hội cúng cây chè tổ khiến người người hân hoan, âm hưởng mùa xuân lan tỏa, theo gió, theo mây dội vào vách núi ngược trở lại vi vi, vu vu…
Tết trên non cao Suối Giàng ấm là thế. Khi màn đêm buông, ánh đèn chiếu xoay tròn trong không gian, vị cay nồng của rượu ngô, rượu thóc hòa quyện với mùi thơm từ thịt gác bếp để khách đến quên lối về… Trong ánh mắt của thiếu nữ Mông chỉ còn những lếnh láng, những phiêu du say đắm mà nồng nàn khó cưỡng. Mùa xuân, tấm lòng xuân, sức trẻ mùa xuân nơi suối của trời chỉ khi đến, khi ở mới cảm nhận được. Vẻ đẹp tinh khôi, diệu vợi của thiên nhiên cùng những nét văn hóa đặc sắc người Mông Suối Giàng chỉ có duy nhất một mà thôi!
Thủy Thanh