Mẹ Bùi Thị Mận sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng của xã Việt Thành. Bởi thế, năm 16 tuổi, cô gái Bùi Thị Mận đã là người đầu tiên trong tổ đội phụ nữ của thôn đăng ký đi dân công hỏa tuyến, góp sức gánh gạo, mở đường, cấp cứu bộ đội bị thương… ở các tỉnh: Nghĩa Lộ, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình.
"Thời điểm đó khó khăn vất vả lắm, mỗi năm đi từ 5 đến 7 tháng, ăn, ngủ ở rừng. Về với gia đình lại cùng với địa phương thi đua lao động sản xuất để có nhiều thóc lúa tiếp viện cho chiến trường” - mẹ Mận nhắc chuyện.
Rồi đến tuổi trưởng thành, mẹ lên nghĩa vợ chồng với ông Hoàng Văn Trường, người cùng thôn. "Bởi thương ông Trường một nách nuôi ba con khi vợ mất sớm mà tôi lấy làm chồng, có với nhau 4 trai, 3 gái” - mẹ bộc bạch thế. Thì ra, mẹ Mận nghĩa tình là vậy.
Thời điểm đó, đế quốc Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc, đặc biệt là địa bàn tỉnh Sơn La. Con cả của ông Trường là anh Hoàng Văn Hải sinh năm 1945, khi đó chưa đủ 18 tuổi đã xung phong lên đường nhập ngũ. Anh Hải được điều động lên địa bàn tỉnh Sơn La tham gia những trận đánh ác liệt trên địa bàn huyện Yên Châu, Thuận Châu và hy sinh ngày 14/1/1968, hiện nay, hài cốt ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.
Nối tiếp truyền thống của gia đình cách mạng, các con của mẹ lớn lên đều hăng hái tham gia các hoạt động của thôn, của xã. Tháng 12/1972, anh Hoàng Minh San - con trai cả của mẹ lại tình nguyện lên đường nhập ngũ, chiến đấu tại các chiến trường miền Nam, trực tiếp là địa bàn huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh - vùng đất bị đế quốc Mỹ tàn phá nặng nề.
"Hôm thằng San nhập ngũ, cả nhà ai cũng khóc. Càng ngày, những lá thư của nó viết về cho gia đình thưa dần. Ngày 31/12/1977, tức là sau 5 năm từ ngày nó nhập ngũ, gia đình nhận được giấy báo tử. Khi ấy, nó mới 22 tuổi” - mẹ Mận bùi ngùi nhắc chuyện người con liệt sĩ.
Nỗi đau mất con khiến mẹ như mất một phần cơ thể. Nhờ vào sự động viên của gia đình, địa phương và bà con chòm xóm, nén đau thương, mẹ mạnh mẽ sống. Với những cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 27/10/2014, mẹ Bùi Thị Mận được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Mẹ Việt Nam anh hùng”.
Năm nay, mẹ sắp sang tuổi 96 nhưng vẫn còn khá minh mẫn. Anh Hoàng Trung Cao - người con út ở cùng mẹ từ nhỏ tâm sự: "Từ năm 2013, mẹ bị tai biến nhẹ nên sức khỏe giảm sút nhiều, chứ trước đây ngày nào cụ cũng ra vườn, ra ruộng trồng rau, cuốc đất với con cháu. Hàng ngày, sáng dậy khá sớm đi bộ và tập thể dục. Giờ, niềm vui lớn nhất của cụ là con cháu ở gần lui tới thăm hỏi thường xuyên”.
Anh Cao cho biết thêm: "Nhà em Tết năm nào cũng mổ lợn tạ, tất cả dâu, rể, cháu nội, ngoại của cụ 13 đứa và anh em họ hàng, bạn bè cũng gần 10 mâm cơm mới đủ đấy. Từ năm 2016, Nhà máy Z183 nhận đỡ đầu phụng dưỡng cụ 750 nghìn đồng/tháng, ngoài ra, các đoàn của tỉnh, huyện, xã cũng thường xuyên đến thăm, động viên, tặng quà… Cụ phấn khởi lắm!”.
Những ngày này, khắp nơi trên địa bàn huyện Trấn Yên, rồi tỉnh Yên Bái và cả nước đang triển khai nhiều hoạt động chung tay chăm lo Tết cho gia đình chính sách và hộ nghèo, ấy là nét đẹp truyền thống của dân tộc để mọi gia đình chính sách, trong đó có những Mẹ Việt Nam anh hùng đón Tết vui vẻ, đầm ấm và đậm nghĩa tình.
Phong Sơn