Ăn Tết bên trời “Tây”

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/1/2020 | 8:11:55 AM

YênBái - "...Thường thì các chị trong nhóm sẽ nấu một số món đặc trưng mang đậm hương vị Tết Việt như: nem rán, thịt đông, thịt quay… để cùng thưởng thức trong những ngày cuối đông lạnh giá. Dù không đủ hương vị như ở Việt Nam nhưng đây chính là giây phút lắng đọng nhất đối với em trong ngày xuân bên trời Tây” - Bạch Linh Chi chia sẻ về ngày Tết của mình tại Anh.

Bạn Linh Chi cùng các bạn du học sinh Việt tại Anh tổ chức tiệc đón giao thừa.
Bạn Linh Chi cùng các bạn du học sinh Việt tại Anh tổ chức tiệc đón giao thừa.

Trong tâm thức mỗi người con đất Việt, bao đời nay, Tết là khoảng thời gian để mọi người đoàn viên, quây quần bên nhau. Đối với những người con xa xứ sống ở những miền đất lạ, Tết đến là những giây phút đan xen giữa cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến lại náo nức và ngậm ngùi nỗi nhớ da viết về nơi chôn rau cắt rốn của mình.

Náo nức và bâng khuâng

Chị Trần Lưu Ly sinh ra và lớn lên tại thành phố Yên Bái, hiện đang sinh sống tại thành phố Melbourne, Úc. Tốt nghiệp Học viện Tài chính Hà Nội, Ly quyết định theo học thạc sỹ ngành marketing tại Đại học Central Queensland, Úc và lập gia đình, định cư tại đây. Đến nay đã gần 10 năm xa quê hương và cũng là ngần ấy năm chị chưa được đón một cái Tết cổ truyền trọn vẹn bên bố mẹ và người thân. 

Chị Ly bộc bạch: "Dù không phải lần đầu tiên ăn tết xa quê nhưng cảm xúc của tôi tới giờ vẫn không thay đổi. Vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, lòng tôi lại ngậm ngùi nhớ gia đình, nhớ không gian phố phường nhộn nhịp hoa đào những ngày giáp Tết, nhớ mùi bánh chưng, dưa hành của bà ngoại. Ngày còn là sinh viên thì cứ ước mơ được bay cao, bay xa tới những chân trời mới. Giờ trưởng thành rồi mới thực sự hiểu ý nghĩa của sự đoàn tụ, sum vầy”. 

Còn với cô sinh viên Chu Thủy Tiên đang theo học thạc sỹ chuyên ngành kinh doanh quốc tế tại Trường Đại học Greenwich, Thủ đô London, Vương quốc Anh thì 4 năm xa quê hương là từng ấy thời gian cô cùng bạn bè đón Tết Việt nơi xứ người. 

Tết đến là lúc bạn bè, người thân, cộng đồng du học sinh Việt lại cùng nhau sum họp, hướng về quê hương. Đã là người Việt thì ai cũng nhớ day dứt mùi pháo, mùi hoa, mùi nhang khói… và nhất là "mùi Tết”. 

"Xa nhà rồi em mới nhận ra ý nghĩa của Tết. Bây giờ, em chỉ mong được về nhà bên mâm cơm tất niên chiều 30 với bố mẹ, kể cho bố mẹ nghe mình đã trưởng thành như thế nào sau một năm” - Tiên ngậm ngùi chia sẻ với tôi qua những dòng tin nhắn điện thoại ngắn ngủi. 

Cùng tâm trạng với Thủy Tiên, Bạch Linh Chi - sinh viên Đại học Đông Anglia tại Anh bồi hồi: "Em xa bố mẹ từ khi học cấp III ở Trường Hà Nội Amsterdam, rồi đi du học. Em nhớ ngày còn bé quấn quýt bên bà nội và bố mẹ để xem gói bánh chưng, nghe kể sự tích ông Công, ông Táo và lễ cúng giao thừa. 

Cũng nhớ nhà, nhớ quê nhiều chứ chị. Nhớ cái tết sum vầy, đầm ấm ở quê nhà nhưng không phải ai cũng có cơ hội và điều kiện về thăm gia đình vào dịp Tết cổ truyền. Hiện nay, công nghệ hiện đại, đón Tết Việt ở Anh nhưng em vẫn thấy được gia đình ở nhà. Ông bà, bố mẹ chúc mừng, cùng nhau cụng ly vào đúng thời khắc giao thừa qua... điện thoại”. 

Là người đang sinh sống và làm việc tại thành phố Aichi, Nhật Bản, anh Nguyễn Việt Hà cho biết: "Không về quê đón Tết cùng bố mẹ và các anh chị khiến tôi cảm thấy rất buồn. Mỗi khi đến Tết, trên các trang mạng xã hội, ai ai cũng đăng tải hình ảnh Tết cổ truyền ở quê nhà làm nỗi nhớ gia đình càng dâng cao, càng nhớ về những khoảnh khắc đón năm mới bên gia đình và bạn bè ở Việt Nam. Thường đến đêm giao thừa, tôi hay gọi điện về chúc tết bố mẹ, đang nói chuyện vui vẻ rồi cả hai đầu dây đều lặng đi vì nhớ. Khoảnh khắc giao thừa ấy tôi đã lén lau những giọt nước mắt. Tôi mong một ngày gần nhất, mình sẽ được trở về quê hương để cùng gia đình đón một cái tết đầm ấm theo đúng nghĩa”. 

Tết Việt bên trời "Tây”

Theo thời gian, Tết của những người Việt xa xứ dần đầy đủ như ở quê nhà, chỉ thiếu cái không khí ấm áp thiêng liêng của gia đình, của đất trời Việt. Chính vì thế, chị Trần Lưu Ly luôn quan niệm đã là người Việt Nam, dù ở đâu cũng cần giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, nhất là vào dịp Tết. Chị dạy con trai nói tiếng Việt, kể cho con nghe về những phong tục trong ngày Tết cổ truyền. Những ngày giáp Tết, chị dẫn con trai đi hội chợ do người Việt tổ chức để mua bánh chưng, sắm sửa đồ trang trí, mâm ngũ quả... 

Chị Ly cho biết: "Cá nhân tôi, tại gia đình nhỏ bé của mình, luôn làm cỗ cúng ông Công, ông Táo và giải thích với các con ý nghĩa của ngày 23 tháng Chạp này. Mâm cỗ cúng giao thừa tôi cũng luôn sửa soạn đầy đủ giống mẹ tôi làm hồi còn ở nhà, cũng mâm ngũ quả, bánh chưng xanh, kẹo bánh… Xa quê càng lâu thì hình như con người ta càng muốn giữ lại những nét đặc trưng của quê mình. Tôi rất sợ đánh mất không khí thiêng liêng của Tết Việt giữa xứ người”. 



Anh Nguyễn Việt Hà cùng cộng đồng người Việt tại Nhật Bản tổ chức gói bánh chưng dịp Tết Nguyên đán. 

Cũng giống chị Ly, do điều kiện không được nghỉ làm vào những ngày Tết (theo lịch Việt Nam) nên năm nào anh Hà cùng cộng đồng người Việt ở Nhật cũng chuẩn bị mọi thứ từ trước đó nửa tháng, từ việc gói bánh chưng, muối hành, sắm sửa đồ trang trí, mâm ngũ quả... 

Anh Hà cho biết: "Với mong muốn có một cái tết trọn vẹn nơi xứ xa, cộng đồng người Việt thường tổ chức hoạt động gói bánh chưng tạo không khí vui vẻ, đầm ấm. Không có đào, mai thì chúng tôi tự làm cây đào, cây mai giả để bày dịp Tết cùng mâm ngũ quả cho thêm phong phú, rồi cùng nhau ăn tiệc đón tất niên, chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất và cũng không quên mừng tuổi lấy may trong dịp đầu năm. Tôi nghĩ rằng việc lưu giữ phong tục Tết cổ truyền nơi đất khách càng khẳng định rằng dù có ở bất kỳ nơi đâu thì đến cuối cùng quê hương vẫn luôn là nơi chúng ta muốn quay trở về”.

Ăn Tết xa quê nhưng với những du học sinh như Chu Thủy Tiên, Bạch Linh Chi cũng luôn gìn giữ các phong tục, tập quán của người Việt trong ngày Tết. Thủy Tiên chia sẻ: "Trước đây, cứ qua thời khắc giao thừa là gia đình em lại cùng nhau đi chùa Am để cầu bình an. Chính vì vậy, vào dịp Tết, ở bên này, ngoài việc tổ chức ăn uống đón Tết cùng các bạn du học sinh, chúng em còn cùng nhau đi lễ chùa Linh Sơn - ngôi chùa do sư thầy người Việt trụ trì để cảm nhận hương vị Tết Việt gần gũi hơn. Cũng có năm em và các bạn tổ chức đi chơi tại những địa danh nổi tiếng của nước Anh như: tháp đồng hồ Big Ben, cầu London, vườn hoa Kew… vào thời gian này để nguôi ngoai đi nỗi nhớ gia đình”. 

Vào ngày Tết, Linh Chi - cô gái ở xứ sở sương mù cho biết hội du học sinh Việt thường tổ chức một buổi liên hoan, mọi người tụ họp lại đón Tết cổ truyền để không quên nguồn cội. "Vào ngày mùng Một hoặc mùng Hai Tết hàng năm, sau một ngày dài đi học thì các anh chị đồng hương thường mời em tới ăn tiệc. Mọi người chọn một địa điểm thường là nhà hàng hay quán ăn nào đó và mời tất cả người Việt Nam cùng sinh sống trong thành phố đến chung vui. 

Thường thì các chị trong nhóm sẽ nấu một số món đặc trưng mang đậm hương vị Tết Việt như: nem rán, thịt đông, thịt quay… để cùng thưởng thức trong những ngày cuối đông lạnh giá. Dù không đủ hương vị như ở Việt Nam nhưng đây chính là giây phút lắng đọng nhất đối với em trong ngày xuân bên trời Tây” -  Bạch Linh Chi chia sẻ về ngày Tết của mình tại Anh.

Tết Nguyên đán là dịp để mỗi gia đình người Việt đi xa muôn nơi về tụ họp, sum vầy bên gia đình. Trong không khí của ngày xuân, tin chắc rằng không chỉ có chị Ly, anh Hà hay những bạn trẻ như Thủy Tiên, Linh Chi mà còn bao người con mang trong mình dòng máu con Lạc, cháu Hồng khác đang sinh sống trên khắp năm châu đều có chung một mong ước lớn nhất đó là mong bố mẹ, người thân yêu đều khỏe mạnh, an lành. Từ sâu trong trái tim những người Việt xa quê hương, họ luôn mong mỏi một ngày gần nhất được trở về quây quần bên vòng tay cha mẹ, người thân trên dải đất hình chữ S mến thương.

Thu Trang

Các tin khác
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nCov tại Bộ Y tế chiều mùng 2 Tết

Chiều 26-1 (mùng 2 Tết Canh Tý 2020), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp khẩn tại Bộ Y tế về tình hình dịch viêm phổi cấp do virus Corona có nguồn gốc từ Vũ Hán, Trung Quốc.

Vào khoảng 10 giờ sáng ngày 26 tháng 1, tức mùng 2 tháng giêng năm Canh Tý tại thôn Ngòi Kèn xã Liễu Đô huyện Lục Yên đã xảy ra 1 vụ hỏa hoạn làm thiêu rụi hoàn toàn ngôi nhà đất 3 gian của gia đình anh Hoàng Văn Bảy, sinh năm 1988.

Cục Hàng không Việt Nam đã ngoại lệ cấp phép cho 4 chuyến bay của Vietjet Air đến thành phố Vũ Hán. Vietjet chỉ chở khách Vũ Hán từ Việt Nam về lại Trung Quốc chứ tuyệt đối không trở khách từ Vũ Hán về Việt Nam.

Đồng bào Dao ở Phúc Lợi không cúng ông Công ông Táo như người Kinh. Bữa cơm mời nội ngoại, anh em đến chung vui trong ngày tết mới là quan trọng nhất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục