Tuy nhiên, việc quan tâm, chăm lo cho NKT mới chỉ dừng lại ở việc làm tốt các chính sách bảo trợ xã hội còn vấn đề liên quan đến dịch vụ công, dạy nghề, tạo việc làm vẫn còn nhiều lắm khó khăn.
Trên địa bàn huyện Mù Cang Chải hiện có 435 NKT. Những năm qua, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, đoàn thể triển khai thực hiện các nội dung của Đề án phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Với 136 NKT dưới 16 tuổi, việc thực hiện trợ giúp tiếp cận giáo dục được huyện quan tâm kịp thời. Huyện đã đưa ra quyết định giảm nhẹ yêu cầu học tập cho học sinh khuyết tật, tuyên truyền huy động trẻ khuyết tật tham gia giáo dục hòa nhập; đồng thời, hỗ trợ học bổng cho học sinh khuyết tật bằng 80% mức lương cơ sở và 1 triệu đồng/năm.
Trong 8 năm, huyện đã hỗ trợ 78 đối tượng với tổng kinh phí là 753 triệu đồng. Hầu hết trẻ khuyết tật trong độ tuổi đi học có khả năng đến trường, có nhu cầu học tập đều được tạo điều kiện đến trường.
Song, thực tế tại địa phương, hệ thống trường lớp, thiết bị dạy học, tài liệu đặc thù chưa đáp ứng được nhu cầu học tập; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên chưa được đào tạo, bồi dưỡng đủ về số lượng và chất lượng để giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật. Bên cạnh đó, nhiều trẻ khuyết tật còn gặp nhiều rào cản từ gia đình trong việc ủng hộ, khuyến khích trẻ học tập.
Còn với hoạt động trợ giúp, chăm sóc sức khỏe ban đầu, hàng năm, huyện đã tổ chức rà soát, lập danh sách trẻ em dị tật vận động, nghe, nói, nhìn để tiến hành thăm khám. Trung tâm Y tế huyện được trang bị máy siêu âm và đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn đáp ứng việc khám sàng lọc, phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển.
Tuy nhiên, việc thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NKT tại địa phương luôn trong tình trạng thiếu nhân lực và thiếu kinh phí hoạt động. Hệ thống mạng lưới phục hồi chức năng mỏng; chưa xây dựng được mô hình, cơ sở phục hồi chức năng. Các trạm y tế xã thiếu người có chuyên môn, kinh nghiệm về khám, chữa bệnh cho NKT.
Việc lập hồ sơ quản lý đối tượng, theo dõi tình hình sức khỏe của NKT theo đúng quy định rất hạn chế; cung cấp dụng cụ trợ giúp cũng không nhiều, chủ yếu là từ các chương trình, dự án của cấp trên. Giai đoạn 2012 - 2019, huyện đã tiếp nhận và hỗ trợ NKT 18 xe lăn, 1 máy trợ thính - vẫn còn rất ít so với số lượng người có nhu cầu.
Thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, hạn chế, sau 8 năm thực hiện, huyện đã đánh giá mức độ đạt được các chỉ tiêu cụ thể đặt ra trong Đề án.
Theo đó, tỷ lệ NKT trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp, tỷ lệ gia đình có NKT được tập huấn về kỹ năng, phương pháp chăm sóc phục hồi chức năng cho NKT, tỷ lệ các công trình đảm bảo tiếp cận đối với NKT, tỷ lệ NKT được trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin truyền thông, tỷ lệ NKT được hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, tỷ lệ NKT được tập huấn kỹ năng sống… đạt 0% - tức là chưa tổ chức được các hoạt động trợ giúp liên quan.
Bà Lương Thị Xuyến - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải nhận định: "Sau 8 năm thực hiện Đề án 1019, huyện mới thực hiện được hoạt động phát hiện sớm, can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ hỗ trợ cho NKT, trợ giúp tiếp cận giáo dục, tuy nhiên mức độ trợ giúp vẫn còn thấp chỉ từ 30 - 50%".
"Để hỗ trợ NKT thực sự hòa nhập cộng đồng, huyện mong muốn, đề nghị cấp trên quan tâm, chú trọng trong công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, phúc lợi công cộng, hạ tầng cơ sở có tính đến điều kiện tiếp cận cho NKT; đồng thời có chính sách riêng đặc thù cho NKT ở vùng đặc biệt khó khăn cũng như việc xem xét cấp kinh phí thực hiện Đề án - bà Xuyến nói”.
H.A