Bệnh lao có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, chữa đúng phương pháp, đủ thời gian những có thể trở thành lao kháng thuốc, lao siêu kháng thuốc hoặc tử vong nếu không được phát hiện sớm, không điều trị đúng phương pháp và không đủ thời gian. Tuy bệnh lao không còn nguy hiểm nhưng cần phải phòng tránh không để biến chứng dẫn đến tràn dịch khí màng phổi, ho ra máu và xơ phổi.
Ông H.T.V ở xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên cho biết: "Tôi có biểu hiện ho, tức ngực, khó thở, gầy sút cân. Được người thân, cán bộ y tế động viên, tư vấn nên tôi đã về Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh để khám và chữa trị. Sau giai đoạn điều trị tại viện, tôi được hướng dẫn dùng thuốc tại gia đình theo phác đồ và được cán bộ trạm y tế xã theo dõi bệnh tại nhà. Chỉ trong một thời gian ngắn, tôi đi xét nghiệm lại đã có kết quả khả quan”.
Để người dân có kiến thức về bệnh lao, từ đó, không chủ quan, cán bộ y tế tuyến cơ sở đã làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục sức khoẻ và phòng chống lao và các bệnh đường hô hấp trong nhân dân, nhất là trạm y tế đã phối hợp làm tốt công tác khám sàng lọc bệnh ngay từ tuyến đầu.
Từ năm 2019 đến nay, Bệnh viện đã chỉ đạo sát sao công tác khám và điều trị cho bệnh nhân. Bệnh viện đã tích cực cho cán bộ học tập và nâng cao trình độ chuyên môn trong công tác điều trị, vì vậy, số ngày điều trị nội trú/bệnh nhân đã giảm rõ rệt so với những năm trước.
Năm 2017, số ngày điều trị bình quân là 16 ngày/đợt điều trị; năm 2019 là 12 ngày/đợt điều trị. Bệnh viện cũng triển khai kế hoạch học tập "Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” nên công tác phục vụ bệnh nhân được nâng lên rõ rệt và nhiều bệnh nhân gửi thư cảm ơn, tri ân tới đội ngũ cán bộ y tế.
Từ năm 2019 đến nay, Bệnh viện khám bệnh cho 3.159 lượt người; phát hiện, thu dung và điều trị cho 25 bệnh nhân lao kháng thuốc. Bên cạnh đó, Bệnh viện đã hỗ trợ tỉnh Lào Cai điều trị 10 bệnh nhân lao kháng thuốc do Lào Cai chưa có cơ sở điều trị cho bệnh nhân lao kháng thuốc. Bệnh viện còn thực hiện 6 ca nội soi phế quản ống mềm gây tê và 18 ca nội soi tai - mũi - họng.
Trong công tác xét nghiệm, tất cả các chỉ định xét nghiệm đều sát với yêu cầu chẩn đoán và điều trị. Trong năm, Bệnh viện đã thực hiện kỹ thuật mới về xét nghiệm Gene Xpert MTB/ RIF - là một kỹ thuật ứng dụng sinh học phân tử, mang tính đột phá, cho phép xác định vi khuẩn lao ở mức độ ít với độ nhạy và độ đặc hiệu cao, cho kết quả trực tiếp với bệnh phẩm đờm soi AFB dương tính có độ nhạy lên tới 98%, 72% ở những bệnh phẩm đờm soi AFB âm tính và độ đặc hiệu là 99,2%, thời gian thực hiện xét nghiệm chỉ khoảng 100 phút...
Theo nhận định của chuyên gia, bệnh lao và các bệnh về phổi những năm gần đây còn cao, đặc biệt là lao động nhiễm HIV/AIDS. Trong khi đó, chương trình phòng chống lao trên địa bàn còn thiếu hụt cán bộ có chất lượng cao, nhất là tuyến cơ sở, kinh phí công tác phòng, chống lao…
Để tiếp tục phòng chống lao hiệu quả hơn nữa, ông Vũ Anh Trường - Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh cho biết: Tiếp tục kiện toàn thêm bộ máy tổ chức của Bệnh viện phù hợp hơn nữa với tình hình thực tế; đề nghị tăng số giường điều trị; bố trí lực lượng cán bộ hợp lý để làm tốt công tác KCB tại bệnh viện. Đồng thời, làm tốt công tác chỉ đạo tuyến Chương trình mục tiêu quốc gia tại cơ sở; tăng cường đào tạo để có đủ cán bộ có trình độ chuyên môn cao; cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh; tăng cường tuyên truyền giáo dục sức khỏe phòng chống lao và các bệnh hô hấp trong nhân dân dưới nhiều hình thức, nhiều kênh thông tin…
Cùng với nỗ lực của mạng lưới y tế cơ sở, sự cố gắng của đội ngũ cán bộ, y bác sĩ và nhân viên y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, chất lượng công tác phòng chống lao sẽ tiếp tục được nâng lên, góp phần từng bước đẩy lùi bệnh lao.
Trần Minh