Đây là một trong những bước lớn của y học nhằm thay thế một hoặc nhiều răng đã mất mà không làm ảnh hưởng đến các răng bên cạnh.
Cắm ghép Implant là gì?
Implant là phương pháp cấy ghép chân răng nhân tạo bằng titan vào trong xương và làm chụp lên trên chân răng nhân tạo đó để thay thế răng đã mất. Phương pháp này cho phép thay thế một hoặc nhiều răng đã mất mà không làm ảnh hưởng đến các răng bên cạnh.
Nhờ đó, bệnh nhân sẽ có răng giả cố định và tiện dụng. Chỉ một chiếc răng bị mất cũng có thể ảnh hưởng không tốt tới cả hàm răng. Nếu không được thay thế, đây sẽ là bước đầu tiên dẫn tới một chuỗi những bất ổn như tụt lợi hay mất răng liên tiếp.
Nếu bạn có implant, giống như tất cả bệnh nhân sở hữu Implant khác, bạn cần tuân thủ chế độ vệ sinh răng miệng nghiêm ngặt và nên kiểm tra răng định kỳ.
Trồng răng khi nào?
Chân răng Implant có thể được cấy ngay sau khi nhổ răng hoặc sau khi xương và lợi tại vị trí răng bị nhổ hồi phục. Thủ thuật này thường đơn giản, ít gây đau và thường được thực hiện dưới gây tê tại chỗ giống như điều trị răng sâu. Phần răng giả cố định sẽ được làm sau thời gian chờ xương tích hợp quanh chân răng trồng từ 2 đến 6 tháng. Trong một số trường hợp, nha sĩ có thể gắn răng tạm ngay sau khi cấy Implant.
Chỉ định và chống chỉ định
Để cấy được Implant, thể tích và chất lượng xương cần phải đủ. Các thông số này thường được đánh giá qua phim chụp cắt lớp. Tuy vậy, thể tích xương cũng có thể được cải thiện nhờ ghép xương. Các răng và lợi quanh vị trí cần cấy ghép Implant cũng cần phải ở trong tình trạng khỏe mạnh. Những trường hợp chống chỉ định tương đối thường là: vệ sinh răng miệng kém, hút thuốc lá, bệnh tiểu đường không được kiểm soát, dùng thuốc chống đông...
Phẫu thuật cấy ghép Implant vào xương nghe có vẻ phức tạp. Tuy vậy, đây lại là một phẫu thuật không tốn nhiều thời gian và trong phần lớn các trường hợp, quá trình hồi phục sau phẫu thuật rất thuận lợi.
Cấy Implant tại phòng nha
Mục đích tiên quyết của trồng Implant là để tạo bệ đỡ cho răng giả phía trên nhằm tái lập lại thẩm mỹ và chức năng nhai. Do vậy, chính những dự kiến cho phục hình răng giả trong tương lai sẽ định hướng cho vị trí trồng Implant. Với những ca đơn giản như trồng 1-2 răng thì kế hoạch điều trị khá dễ dàng.
Tuy nhiên, với những trường hợp mất răng phức tạp, nha sĩ cần phải phân tích sâu, lên mẫu nhiều lần hoặc làm máng định vị nhằm dự kiến trước vị trí răng giả tương lai trên miệng hoặc trên mẫu.
Bên cạnh đó, nha sĩ sẽ khám lâm sàng nhằm đánh giá tình trạng vị trí cần trồng răng cũng như tìm và điều trị đồng thời các vấn đề viêm lợi hay sâu răng liên quan tới khoảng mất răng.
Phẫu thuật Implant được thực hiện dưới gây tê tại chỗ. Nha sĩ rạch và tách lợi để tiếp cận tới vị trí xương sẽ trồng Implant. Sau đó, bằng các mũi khoan có đường kính từ nhỏ tới lớn, nha sĩ tạo lỗ trong xương và cấy ghép Implant vào đó.
Bước cuối cùng, nha sỹ vặn vít phủ Implant và khâu đóng lợi. Thông thường sau thời gian chờ tầm từ 2 đến 6 tháng để xương tích hợp tốt quanh Implant, nha sỹ sẽ tiến hành làm răng giả trên Implant.
Thời gian chờ ngày càng được rút ngắn nhờ vào sự phát triển của kỹ thuật cấy ghép Implant. Trong 1 vài trường hợp, nha sĩ có thể làm răng tạm trên Implant ngay sau khi trồng. Điều này cho phép đảm bảo tính thẩm mỹ cho bệnh nhân, nhất là trong các trường hợp trồng răng cửa. Để làm chụp vĩnh viễn trên Implant, nha sĩ sẽ phải lấy mẫu, thử chụp trên miệng và cuối cùng là bắt vít hoặc gắn chụp lên chân Implant.
Giống như chăm sóc răng thật, bệnh nhân cần phải có chế độ vệ sinh răng miệng kỹ càng và kiểm tra răng định kỳ nhằm đảm bảo răng Implant luôn chắc khỏe.
Bác sĩ Hà Khắc Tám