Bộ GD&ĐT không cần biên soạn thêm bộ sách giáo khoa bằng kinh phí từ ngân sách

  • Cập nhật: Chủ nhật, 14/6/2020 | 8:42:16 AM

Đây là ý kiến của một số đại biểu Quốc hội liên quan tới việc đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa phổ thông, chi đầu tư cho giáo dục.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, đoàn Đà Nẵng.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, đoàn Đà Nẵng.

Ngày 13/6, tại phiên thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020, nhiều đại biểu quan tâm đến việc đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa phổ thông, chi đầu tư cho giáo dục.

Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 88 năm 2014 và Nghị quyết số 51 năm 2017 của Quốc hội về đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa phổ thông, đại biểu cho rằng, đây là vấn đề trọng yếu cần được Quốc hội xem xét trước khi việc đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông được triển khai trên toàn quốc, chỉ sau kỳ họp này 2 tháng. Những kết quả chính đã đạt được sau gần 6 năm thực hiện Nghị quyết 88, gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 51 của Quốc hội, đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành được chương trình giáo dục phổ thông mới, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của các nghị quyết.

Bộ cũng chỉ đạo biên soạn, tổ chức thẩm định và phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa các môn học bắt buộc và 7 cuốn sách giáo khoa môn tiếng Anh tự chọn ở lớp 1 để sử dụng từ năm học 2020-2021. Việc biên soạn, xuất bản các bộ sách giáo khoa hoàn toàn dựa trên vốn tự có của các đơn vị xuất bản, đã tiết kiệm cho ngân sách nhà nước một khoản không nhỏ, đồng thời đánh dấu thành công bước đầu của chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội còn nhiều hạn chế.


Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chỉ ra rằng, để chủ động triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, Nghị quyết 88 giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Bộ không có khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Việc biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa của Bộ bằng ngân sách nhà nước trong bối cảnh này vừa không cần thiết, vừa khó bảo đảm chất lượng và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa.

Nghị quyết 88 trao quyền cho các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 01 năm 2020 hướng dẫn thực hiện quy định này. Nhưng theo phản ánh của cử tri ngành giáo dục, trên thực chất ở nhiều địa phương, quyền lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục phổ thông không được tôn trọng. Dư luận cũng phản ánh một số hiện tượng chạy chọt cửa sau.

"Bộ GD&ĐT chưa thực hiện đúng vai trò thanh tra, kiểm tra và chấn chỉnh những hiện tượng lệch lạc này", đại biểu Kim Thuý nhấn mạnh.

Để thực hiện thành công việc đổi mới Chương trình giáo dục sách giáo khoa phổ thông, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ hữu quan và UBND các tỉnh, thành phố thực hiện đúng và đầy đủ vai trò quản lý nhà nước trong việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch tập huấn giáo viên, triển khai đánh giá kết quả thực hiện chương trình sách giáo khoa mới ở lớp 1 và các lớp khác. Xem xét việc kê giá sách giáo khoa hàng năm của các nhà xuất bản để bảo đảm giá cả hợp lý. Tăng cường vai trò quản lý, điều tiết của nhà nước chính là điều kiện để việc xã hội hóa biên soạn, xuất bản sách giáo khoa phát triển đúng hướng, ngày càng có chất lượng và hiệu quả. Cùng với đó, bảo đảm điều kiện về nhân lực, kinh phí và cơ sở vật chất để triển khai Chương trình sách giáo khoa mới; tạo tâm thế phấn khởi, sẵn sàng đổi mới cho đội ngũ giáo viên trước cuộc đổi mới quan trọng trong giáo dục phổ thông.

"Tôi được biết nhiều địa phương chưa đủ phòng học, chưa đủ giáo viên để khắc phục tình trạng lớp học quá đông học sinh và thực hiện dạy học hai buổi/ngày ở toàn bộ cấp tiểu học. Không ít địa phương khó tuyển đủ giáo viên ngoại ngữ, tin học. Đáng tiếc, báo cáo của Chính phủ chưa đưa ra được những thống kê cụ thể và nêu các biện pháp khắc phục khó khăn trong lĩnh vực này" – đai biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nêu rõ.

Từ đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới Chương trình sách giáo khoa phổ thông, đại biểu này tán thành việc Quốc hội chấp thuận đề nghị của Chính phủ là không tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa bằng kinh phí từ ngân sách nhà nước và giao cho Chính phủ đàm phán lại với Ngân hàng Thế giới để sử dụng vốn vay này vào việc khác thiết thực, hiệu quả hơn.


Tranh luận làm rõ thêm về vấn đề xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) đồng tình với việc không sử dụng ngân sách nhà nước để biên soạn một bộ sách giáo khoa của riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhằm thúc đẩy, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có tâm huyết, có nhiều sáng kiến viết sách giáo khoa, góp phần hạn chế việc độc quyền và tạo điều kiện nhiều hơn cho các cơ sở có nhiều danh mục để lựa chọn sách giáo khoa, cạnh tranh bình đẳng, khách quan trong việc biên soạn sách giáo khoa. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo thời gian tới cần tăng cường các biện pháp để đảm bảo chất lượng sách giáo khoa, xây dựng và tính đến cơ chế về giá.

"Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước của mình trong việc hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở, lựa chọn sách giáo khoa cho phù hợp, đảm bảo đúng quy định, tránh các hiện tượng tiêu cực và những ý kiến không hay đối với việc lựa chọn sách giáo khoa, tạo được niềm tin trong xã hội trước khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ lớp 1 năm học 2020 – 2021”, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh nhấn mạnh.

(Theo VTV)

Các tin khác

Sáng 13/6, Tỉnh đoàn Yên Bái phối hợp với Tập đoàn Phúc Sơn, Báo Tiền phong, Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh khánh thành nhà tình nghĩa cho cựu thanh niên xung phong Nguyễn Thị Hoa ở tổ dân phố số 5, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên.

Ảnh minh họa

Bộ Y tế vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị tăng cường triển khai các hoạt động trong Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2020.

Ảnh minh họa.

Theo số liệu từ Kho bạc Nhà nước trên 63 địa phương, hết ngày 29/5, các tỉnh, thành phố đã thực hiện rút tiền để hỗ trợ 8,98 triệu người bị ảnh hưởng COVID-19 với tổng số chi 9.418 tỷ đồng.

Xác định việc hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở là một trong những giải pháp quan trọng để làm tốt công tác giảm nghèo, huyện Yên Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, huy động các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục