Theo số liệu thống kê, từ năm 2016 đến hết tháng 3 năm 2020, toàn tỉnh có 17.306 trẻ em bị tai nạn thương tích; 190 trẻ tử vong, trong đó tai nạn giao thông tử vong 64 trẻ, tai nạn đuối nước tử vong 70 trẻ, còn lại là tai nạn khác.
Triển khai Quyết định số 234/QĐ-TTg ngày 5/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 6/5/2016 về việc triển khai Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020 cùng một số văn bản để chỉ đạo thực hiện. Theo đó, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về phòng chống tai nạn thương tích, đặc biệt về phòng, chống đuối nước cho trẻ em được các cơ quan, địa phương trong tỉnh thực hiện thường xuyên.
Từ năm 2016 đến 2020, toàn tỉnh đã phát trên 1 nghìn mũ truyền thông phòng chống đuối nước, áo phao; in và cấp phát trên 6.000 tờ rơi về phòng, chống đuối nước trẻ em... Đồng thời, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức trên 20 lớp tập huấn cho 420 lượt cán bộ các xã, phường, thị trấn, cán bộ thôn, bản về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ; mở các lớp đào tạo giáo viên và hướng dẫn viên dạy bơi, tập huấn cho giáo viên mầm non các biện pháp an toàn phòng chống đuối nước cho trẻ.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Trưởng phòng Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: "Sở Lao động - Thương binh và Xã hội còn triển khai Dự án Can thiệp hiệu quả về phòng chống đuối nước cho trẻ em do Quỹ từ thiện Bloomberg tài trợ thông qua Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thực hiện tại 3 huyện Yên Bình, Lục Yên, Văn Yên với 15 xã thuộc Dự án. Qua đó, hàng nghìn trẻ em và người dân đã được hưởng lợi, công tác phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em được nâng cao, môi trường sống an toàn cho trẻ em được cải thiện, người chăm sóc trẻ quan tâm tới trẻ em hơn trước”.
Cùng đó, các cấp, các ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng đã tổ chức dạy bơi cho trên 7.200 trẻ em; tập huấn biện pháp phòng, chống đuối nước cho 600 bố mẹ có con dưới 6 tuổi, tập huấn về kiến thức phòng chống đuối nước cho 2.400 trẻ.
Các mô hình ngôi nhà, trường học, cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em được triển khai, góp phần quan trọng trong phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh, 80% gia đình đã đạt đủ 33 tiêu chí, 100% hộ gia đình đạt 15 tiêu chí bắt buộc về "Ngôi nhà an toàn" cho trẻ em. 100% trường học trên địa bàn tỉnh thành lập ban chỉ đạo xây dựng "Trường học an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em” và chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống tai nạn, thương tích.
100% xã, phường, thị trấn có ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân tại cộng đồng với nhiệm vụ chỉ đạo, thực hiện Kế hoạch phòng, chống tai nạn, thương tích và xây dựng cộng đồng an toàn ở địa phương. Trên 80% hộ gia đình nhận thức được nguy cơ gây tai nạn, thương tích tại cộng đồng và tham gia tích cực các mục tiêu phòng, chống tai nạn, thương tích. 70% hộ gia đình có kiến thức đúng về phòng, chống tai nạn, thương tích...
Để phòng chống tai nạn giao thông đường bộ cho trẻ em, hàng năm, Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với các trường học tổ chức các buổi nói chuyện trực tiếp với chủ đề thực hiện pháp luật về an toàn giao thông, phòng, chống tai nạn thương tích cho trên 10.000 lượt học sinh các cấp tham gia và tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa về an toàn giao thông...
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, từ thực tế triển khai Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy, để Chương trình tiếp tục triển khai hiệu quả trong giai đoạn tới, cần tiếp tục duy trì các chính sách ưu tiên cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đối với các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn và quan tâm hỗ trợ kinh phí để thực hiện các hoạt động phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em và phòng, chống đuối nước trẻ em; cung cấp nhiều sản phẩm truyền thông cho các địa phương để tuyên truyền tại chỗ; mở các lớp tập huấn về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho đội ngũ cán bộ nòng cốt để nâng cao kiến thức, kỹ năng và tập huấn lại cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp cơ sở.
Triển khai chương trình dạy bơi cho trẻ em, kỹ năng sống và kỹ năng an toàn trong môi trường nước, từng bước đưa môn bơi lội vào chương trình học tập chính khóa; phát triển nhân rộng mô hình trường học an toàn, cộng đồng an toàn... cũng là những nhu cầu xuất phát từ thực tế.
Thu Hạnh