Nhất là việc quan tâm, đầu tư xây dựng các công trình và nỗ lực đảm bảo nguồn nước hợp vệ sinh cho vùng nông thôn, vùng cao, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
Ông Trần Anh Văn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: Nhằm đảm bảo nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân nông thôn, nhất là bà con các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng cao, bằng các nguồn vốn khác nhau, Yên Bái đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng các công trình, các dự án nước cho bà con.
Bên cạnh đó, còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong việc sử dụng nguồn nước cũng như bảo vệ nguồn nước và bảo vệ môi trường nông thôn bằng các hình thức mít tinh, tọa đàm, phát tờ rơi, tuyên truyền lồng ghép qua các hoạt động hội họp ở địa phương… Thông qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của mỗi người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ nguồn nước và sử dụng nước hợp vệ sinh.
Hiểu rõ nước là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quan trọng, quyết định đến sự sống còn của toàn bộ sinh vật trên Trái đất này, do vậy, Yên Bái đã có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở và của cả hệ thống chính trị cũng như người dân đặc biệt quan tâm bảo vệ cũng như đảm bảo nguồn nước hợp vệ sinh cho người dân.
Bằng các nguồn vốn 134, 135, nguồn vốn 30A, nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… đã xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa các công trình cấp nước tập trung. Song song với đó, Yên Bái còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội để người dân tiếp cận vốn tín dụng theo Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Chiến lược quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng, đầu tư hàng ngàn công trình cấp nước nhỏ lẻ.
Đặc biệt, giai đoạn 2016 – 2020, Yên Bái là một trong 21 tỉnh tham gia thực hiện Chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vốn vay Ngân hàng Thế giới”.
Tổng nguồn vốn của chương trình này trên 220 tỷ đồng, gồm 3 hợp phần: cấp nước nông thôn, vệ sinh nông thôn và nâng cao năng lực truyền thông. Trong đó, có 128 tỷ đồng đầu tư mở rộng, nâng cấp sửa chữa và xây mới 26 công trình cấp nước tập trung với trên 11.185 đấu nối cung cấp nước sạch cho trên 46 ngàn người dân trên địa bàn.
Từ một địa phương phần lớn là người dân dùng và sử dụng nước tự nhiên, nước mưa, nước giếng, nước khe, nước suối thì tính đến hết năm 2019 trên địa bàn toàn tỉnh có 352 công trình cấp nước tập trung, 97 ngàn công trình cấp nước nhỏ lẻ cho trên 600 ngàn người dân nông thôn. Tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận với nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng cao hết năm 2019 đã đạt 90%, về đích trước 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Một vấn đề không thể không nói đến, đó là hầu hết các công trình cấp nước tập trung ở các vùng nông thôn được đầu tư xây dựng trên địa bàn trong thời gian qua đều được xét nghiệm chất lượng nước trước và sau khi bàn giao đưa vào sử dụng đều đảm bảo, đáp ứng được các chỉ tiêu theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Y tế ban hành.
Yên Bái phấn đấu hết năm 2020 tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 91% và tiến tới đạt 95% người dân nông thôn được tiếp cận nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh vào năm 2025.
Thu gom rác thải, xử lý theo quy trình là góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước.
Phát huy kết quả đã đạt được, trong năm 2020 này và những năm tiếp theo, Yên Bái sẽ tiếp tục bố trí các nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung và kể cả các công trình nhỏ lẻ, đồng thời nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ, sử dụng nguồn nước hợp lý.
Dự kiến sẽ xây dựng mới, sửa chữa 56 công trình cấp nước tập trung với tổng vốn đầu tư trên 80 tỷ đồng và xây dựng 170 ngàn công trình cấp nước nhỏ lẻ cho nhân dân với kinh phí trên 170 tỷ đồng.
Cùng với đầu tư xây dựng các công trình cấp nước thì việc bảo vệ nguồn nước sạch là nhiệm vụ của toàn thể nhân loại, chứ không phải của riêng ai.
Từ đó, chúng ta phải nâng cao ý thức cộng đồng, mỗi người chúng ta có ý thức cao hơn về việc bảo vệ nguồn nước sạch, sử dụng nước tiết kiệm, không lãng phí nước thì nguồn nước ô nhiễm sẽ được cải thiện rõ rệt. Không vứt rác bừa bãi, không phóng uế, không thải trực tiếp nước thải vào nguồn nước, không dùng phân tươi làm phân bón…
Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng đầu nguồn tạo nguồn sinh thủy; quản lý xả thải trong khai thác khoáng sản và sản xuất công nghiệp…
Thanh Phúc