Gia đình ông Nguyễn Văn Thái ở phường Đồng Tâm, có 3 thế hệ cùng sinh sống trong một mái nhà chia sẻ: "Trong gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống, các thành viên sẽ có những quan điểm sống và suy nghĩ khác nhau. Do vậy, để chung sống hòa thuận dưới một mái nhà, các thành viên trong gia đình phải biết nhường nhịn, cảm thông và chia sẻ với nhau để tạo nên một gia đình lớn hạnh phúc. Trong gia đình tôi, ông bà làm gương cho con cái noi theo, gương mẫu trước con cháu, dạy bảo con cháu những điều hay, lẽ phải. Ngoài ra, con cháu kính lễ, hiếu thảo, chăm sóc người già. Các con tôi anh em thuận hòa, đoàn kết cùng nhau tiến bộ”.
Còn gia đình chị Hoàng Thị Loan, ở tổ 3, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái lại là hình mẫu đại diện cho thế hệ gia đình trẻ, hiện đại song gia đình chị Loan vẫn giữ gìn và phát huy tốt văn hóa ứng xử trong gia đình. Chị là giáo viên, trường học cách nhà 30 km, chồng công tác trong ngành y tế công việc bận rộn, nhưng vợ chồng chị luôn để tâm vun đắp, gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Sau giờ làm việc, vợ chồng chị dành thời gian cùng chăm sóc, dạy dỗ con cái, phụng dưỡng cha mẹ già hai bên; cùng chia sẻ công việc nhà, tôn trọng nhau. Trong việc dạy bảo con cái, anh chị xác định làm bạn với con, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con chứ không áp đặt theo ý của mình nên 2 con của chị Loan đều ngoan ngoãn, lễ phép. Gia đình chị Loan nhiều năm liền đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa".
Những nét đẹp ứng xử trong gia đình đã hình thành nên nhiều giá trị văn hóa mang tính truyền thống của người Việt như: vợ chồng chung thủy, nghĩa tình; cha mẹ với con, ông bà với cháu gương mẫu, yêu thương; con với cha mẹ, cháu với ông bà hiếu thảo, lễ phép; anh, chị, em hòa thuận, chia sẻ… được nhiều gia đình kế thừa, phát huy.
Tuy nhiên, truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình đang đứng trước nhiều thách thức; các mối quan hệ trong nhiều gia đình trở nên phức tạp; xuất hiện những mâu thuẫn, xung đột giữa các thế hệ về phép ứng xử, lối sống... có sự thay đổi. Đặc biệt là những biểu hiện của tình trạng suy thoái đạo đức gia đình. Guồng quay của xã hội đang cuốn con người vào vòng xoáy của những lo toan, do đó, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo hơn.
Ngày nay, tỷ lệ ly hôn ngày một gia tăng, đặc biệt xuất hiện ở nhiều gia đình trẻ, điều này chứng tỏ nhận thức về hạnh phúc gia đình chưa thực sự đúng đắn; tình trạng bạo hành trong gia đình ngày càng xuất hiện nhiều với những mức độ nguy hiểm hơn. Bố mẹ lơ là, buông lỏng con cái, con cái mải lo cuộc sống riêng tư mà không quan tâm, phụng dưỡng bố mẹ.
Văn hóa gia đình có những thay đổi mang lại nhiều ý nghĩa nhưng cũng có nhiều điều cần phải suy ngẫm. Làm thế nào để khơi dậy những giá trị truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình không chỉ là nhiệm vụ của xã hội, mà còn là nhiệm vụ của mỗi con người, mỗi thành viên trong tổ ấm của mình.
Để giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa ứng xử trong gia đình, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã xây dựng Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, nhằm xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.
Theo các tiêu chí của bộ quy tắc, trong gia đình, cần có các tiêu chí ứng xử chung: tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ và xác định rõ vai trò, vị trí của từng thành viên trong gia đình. Yên Bái là một trong 12 tỉnh được Bộ VH-TT&DL lựa chọn là tỉnh thực hiện thí điểm bộ tiêu chí.
Theo đó, Yên Bái đã chọn 2 xã Xuân Ái và Lâm Giang của huyện Văn Yên để thực hiện thí điểm. Mỗi xã lựa chọn 2 thôn có loại hình gia đình trẻ, gia đình trung niên, gia đình cao tuổi; đại diện cho nhóm nghề nghiệp, tôn giáo, dân tộc... trong đó ưu tiên lựa chọn thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, được triển khai.
Sau hơn 1 năm thí điểm bộ tiêu chí các hộ gia đình tham gia ký cam kết thực hiện có chuyển biến tích cực. Từ kết quả thực hiện thí điểm, bộ tiêu chí triển khai trên phạm vi toàn tỉnh để phong trào xây dựng gia đình văn hóa đạt nhiều kết quả.
Ngày Gia đình Việt Nam năm nay, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các huyện, thị, thành phố và các xã, phường, thị trấn đồng loạt tổ chức các hoạt động cho Ngày Gia đình Việt Nam. Đặc biệt, công tác truyền thông hưởng ứng được đẩy mạnh với nhiều hoạt động cụ thể như: treo băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích; tuyên truyền trên bảng tin cộng đồng, tổ chức giải thể thao gia đình.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh còn tăng cường tuyên truyền luật pháp, chính sách về gia đình, như: Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình và các văn bản liên quan, nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn thể xã hội về công tác gia đình, góp phần phát triển gia đình bền vững...
Thu Hiền