Hạnh phúc là điều mà mỗi gia đình Việt Nam luôn hướng tới. Tuy nhiên, để có thành quả ngọt ngào đó, mỗi thành viên trong gia đình phải cùng chung tay xây dựng bằng sự tin tưởng, tôn trọng, yêu thương bình đẳng, sẻ chia và đồng lòng, cùng nhau giải quyết mâu thuẫn gia đình, để rồi nắm tay nhau tiếp tục hành trình hạnh phúc.
Là một chiến sỹ trẻ trong ngành công an nhân dân, anh Vì Văn Kiến, đội tổng hợp, Công an huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La thường xuyên có những chuyến đi xa gia đình. Có những chuyến đi nhiều ngày khiến nỗi nhớ vợ con da diết, nhưng chính sự động viên của vợ đã là động lực giúp anh tích cực hơn trong công việc và có những cống hiến, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng, xã hội.
Anh chia sẻ, hạnh phúc đối với anh đôi khi chỉ là một bữa cơm quây quần có đầy đủ vợ, chồng, con cái, vui vẻ chuyện trò cùng nhau trong cuộc sống thường ngày. Bởi vậy, khi có thời gian ở gần gia đình, hai vợ chồng anh luôn chia sẻ công việc để cùng nhau chăm sóc gia đình nhỏ.
"Vợ bận thì các công việc trong gia đình mình phải đảm đương. Bố trí công việc khoa học để làm sao mình thay vợ làm việc đó. Kể cả nấu cơm rửa bát mình cũng phải cùng chia sẻ. kể cả khi vợ ở nhà tranh thủ chăm sóc con cái, mình cũng không quan niệm rửa bát là việc của phụ nữ mà mình không làm. Vợ mình cũng hiểu được đặc thù công việc của chồng nên cũng phải cố gắng khắc phục", anh Kiến chia sẻ thêm.
Đối với mỗi gia đình thì hạnh phúc thật bình dị, có thể chỉ là một cái ôm của chồng của vợ, một cái ôm khi ba mẹ đi làm về nhưng có thể tiếp cho mỗi thành viên trong gia đình nguồn sức mạnh lớn lao. Thế nhưng, để có được những niềm vui và niềm hạnh phúc rất bình dị ấy thì các gia đình chắc chắn sẽ phải trải qua những khó khăn, thử thách, thậm chí cả những sóng gió. Khó khăn bởi vừa phải gây dựng kinh tế gia đình, vừa phải chăm lo con cái. Các thành viên trong gia đình phải học cách hòa hợp những thói quen tính cách khác nhau, coi trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già của chồng, của vợ như trách nhiệm của mình.
Với chị Thào Thị Thu, ở Sơn La, để có gia đình hạnh phúc trọn vẹn thì hai vợ chồng phải luôn hiểu, thông cảm cho nhau. Yêu mặt tốt của nhau nhưng cũng yêu luôn cả mặt chưa tốt của chồng, của vợ.
"Hai vợ chồng mình khác dân tộc, một người dân tộc Thái, một người dân tộc Mông, nên cách sống, phong tục tập quán, ngôn ngữ khác nhau. Nhưng vì tình yêu, 2 người đều phải cố gắng hiểu nhau, phải học cách sống, kể cả từ cách ăn, thực phẩm từng dân tộc cũng khác nhau. Mình cũng phải tập để hiểu nhau hơn", chị Thu chia sẻ.
Nghĩ cho mình bớt đi, nghĩ cho gia đình nhiều hơn, coi khó khăn của gia đình là khó khăn của mình, đây là cách mà chị Lê Thị Hà ở Lai Châu suy nghĩ. Chị Hà cho biết, đôi khi phải hy sinh một chút cái tôi cá nhân của bản thân, để giải quyết mâu thuẫn, tìm được tiếng nói chung, sự cân bằng hòa hợp, giữa vợ chồng, con cái.
"Khi yêu nhau là màu hồng, về sống với nhau một thời gian nhìn nhận ra nhiều vấn đề, khi có chuyện hai vợ chồng thường tranh luận không ai nhường ai, cuối cùng giận nhau tới mấy ngày liền. Mặc dù mình không sai mình phải chủ động làm hòa. Sống với nhau một thời gian mới thấy điều đó không tốt, vì mất mấy ngày hai vợ chồng nhìn nhau không nói với nhau câu nào, bản thân mình tự nghĩ mình nên nhún nhường nhau một chút vì khi mình sống với nhau chia sẻ với nhau, mỗi lần giận nhau mình im lặng để giữ cho hạnh phúc gia đình vẹn toàn, con cái không có không khí trong gia đình buồn", chị Hà cho hay.
Mỗi thành viên trong gia đình đều hướng về nhau là điểm chung và cũng là bí quyết xây dựng hạnh phúc gia đình của những gia đình trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020 vừa được Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tuyên dương.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận những năm gần đây, số vụ ly hôn tăng lên trong đó phần lớn là các gia đình trẻ. Nghiên cứu do Viện Hàn lâm Xã hội thực hiện cho thấy: tình trạng ly hôn xảy ra nhiều nhất trong khoảng 5 năm đầu sau kết hôn. Đó là một thách thức lớn đối với xã hội. Đồng tình với quan điểm các thành viên trong gia đình cần luôn hướng về nhau, để yêu thương, nhường nhịn hoá giải những mâu thuẫn nhưng TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng, giá trị gia đình bền vững còn phải xuất phát từ sự bình đẳng, lắng nghe giữa người vợ và người chồng.
"Tôi không nghĩ người ta yêu nhau, quyết định xây dựng hạnh phúc gia đình với nhau thì người ta chỉ nghĩ đến bản thân mình. Người ta cũng yêu say đắm, cũng muốn mang lại hạnh phúc cho nhau. Nhưng vấn đề quan trọng họ yêu nhau nhưng không biết cách ứng xử với nhau nên dẫn đến tan vỡ. Ở đây phải là sự thỏa thuận, thương lượng, bàn bạc để trao đổi với nhau nên làm cái gì tốt nhất để có một mối quan hệ bình đẳng chứ không phải là một bên đòi hỏi một bên hy sinh cho bên kia. Nếu hy sinh thì thường phụ nữ phải hy sinh mà như thế thì không bình đẳng", TS Khuất Thu Hồng cho biết.
Dẫu biết rằng trong mọi mối quan hệ cần có sự bình đẳng, và sự gắn kết gia đình hạnh phúc sẽ có muôn vàn khó khăn thử thách, nhưng những khó khăn, thử thách đó sẽ tôi luyện nên những giá trị bền vững của mỗi gia đình. Và nếu mỗi người đều có trách nhiệm, suy nghĩ tích cực như anh Trần thanh Tiến, ở Đồng Nai thì hạnh phúc của gia đình sẽ ngày càng bền vững.
"Mình muốn gia đình mình hạnh phúc thì hai vợ chồng phải hiểu nhau, tôn trọng những quyết định của nhau, tôn trọng người yêu thương mình nhất thì mình mới có thể tôn trọng tất cả mọi người được. Trong công việc gia đình mình phải luôn biết hài hòa giữa việc cơ quan, gia đình. Là một người chồng cũng phải phụ giúp vợ con làm những công việc gia đình như vợ mình mệt thì mình có thể nấu cơm giặt đồ cho vợ cho con. Còn muốn dạy dỗ con tốt thì mình phải rèn luyện bản thân tốt trước đã để làm gương cho con mình nhìn vào là từ đó sẽ noi theo", anh Tiến chia sẻ.
Hạnh phúc không phải là đích đến mà là một quá trình. Trên hành trình ấy sẽ có nhiều gian nan, thử thách. Nhưng sự trân trọng, yêu thương, đồng lòng và sẻ chia sẽ là hành trang vững vàng để các thành viên trong mỗi gia đình vượt qua chặng đường gian nan mà hạnh phúc ấy. /.
(Theo VOV)