Trên cơ sở kế thừa những kết quả của phong trào xây dựng nếp sống văn hóa trước đây, thành phố Yên Bái đã bổ sung những quy định về xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị được quan tâm, chỉ đạo thực hiện, có sức lan tỏa sâu rộng, khơi dậy tinh thần tự giác của mỗi người dân.
Kết thúc năm 2019, thành phố có 28.621 hộ gia đình (chiếm 96%) đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 119/127 (chiếm 93,7%) thôn, tổ đạt danh hiệu "Thôn văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa"; 212/236 (chiếm 90%) cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu "Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa".
Trong cơ quan, trường học, bệnh viện và các nơi công cộng, các quy chế như: quy chế văn hóa nơi công sở; quy chế văn hóa học đường trong trường học, quy định thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị tại bệnh viện được đẩy mạnh thực hiện, góp phần xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh trong giao tiếp, ứng xử trong cộng đồng.
Việc thực hiện nếp sống văn minh còn được thực hiện trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Các đám cưới đã đảm bảo về thời gian, tổ chức không quá 1 ngày, cán bộ công chức, viên chức không dự tiệc cưới trong giờ hành chính. Trong các đám tang không tổ chức ăn uống đông người; không sử dụng trang âm quá 22 giờ đêm và trước 6 giờ sáng, tình trạng rắc vàng mã trên đường đưa tang đã giảm.
Tại các địa phương có lễ hội, các nghi thức hiện nay đã được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc; tổ chức các trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh, bổ ích, phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của lễ hội. Việc kỷ niệm ngày truyền thống được các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện đúng quy định.
Để hiện thực hóa các chỉ tiêu trong xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, những năm qua, thành phố còn duy trì và nhân rộng 112 mô hình điểm về xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, tiêu biểu như: tổ môi trường xanh, tổ phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon..., tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư về việc giữ gìn vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp; xây dựng mỹ quan, chỉnh trang đô thị.
Đặc biệt, thành phố đã xây dựng 21 mô hình "Tuyến đường, tuyến phố văn minh đô thị”, công nhận 45 mô hình "Nhà sạch, vườn đẹp”, góp phần giảm tình trạng lấn chiếm hành lang kinh doanh, dịch vụ, quảng cáo sai quy định, vệ sinh môi trường được duy trì thường xuyên, tạo môi trường cảnh quan sạch, đẹp.
Các hộ gia đình chủ động chỉnh trang, vệ sinh nhà cửa, sắp xếp đồ đạc khoa học gọn gàng; các phòng ở, bếp, công trình vệ sinh, khu chuồng trại, sân, ngõ được vệ sinh sạch sẽ; rác thải được phân loại, xử lý đúng nơi quy định; công trình vệ sinh, nước sạch đạt tiêu chuẩn.
Việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị được coi là nội dung quan trọng để xây dựng con người có văn hoá, văn minh làm nhân tố để hình thành gia đình và cộng đồng văn hoá, văn minh một cách bền vững. Bởi vậy, mỗi người dân thành phố đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng chính quyền thành phố xây dựng đô thị loại II bằng tư tưởng mới, nếp sống mới.
Hoài Anh