Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 19 vụ cháy, trong đó có 8 vụ cháy nhà dân, 8 vụ cháy rừng trồng và 3 vụ cháy cơ sở sản xuất, kinh doanh. So cả nước, Yên Bái đã đạt được kết quả rất tích cực, số vụ giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, hỏa hoạn vẫn khiến 1 người chết, hàng trăm triệu đồng, gần 10 ha rừng đã bị thiêu rụi. Điều đáng nói là chúng ta đang trong thời điểm nắng nóng gay gắt, nguy cơ cháy vẫn ở mức rất nguy hiểm.
Khi nhiệt độ không khí đã lên tới gần 40 độ C, bề mặt của nhiều loại vật dụng, vật liệu lên tới trên dưới 600C, con người ta luôn có cảm giác lửa có thể bùng cháy bất cứ lúc nào, bất cứ vật liệu gì. Câu nói "Chỉ cần một đốm lửa là có thể thiêu rụi cả khu rừng” thực sự đúng với nghĩa đen của nó.
Trao đổi với cán bộ, chiến sĩ thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh được biết, cán bộ, chiến sĩ lực lượng này đang ứng trực 100% quân số; đồng thời, có nhiều giải pháp đôn đốc các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh, sử dụng hóa chất… cần tăng cường công tác phòng cháy, hết sức đề phòng "giặc lửa” tấn công. Một trong những nguyên nhân gây cháy thời gian qua chính là điện.
Cụ thể là khi nhiệt độ lên quá cao, vỏ bọc cách điện của dây dẫn, nhất là những điểm đấu nối, những vị trí dẫn tải điện bị cọ sát…, mất tác dụng đã gây chập điện và sinh lửa. Thiết bị điện gia tăng rất nhanh, trong đó có những thiết bị làm mát như: tủ lạnh, điều hòa, quạt, máy làm đá… đều là những thiết bị công suất điện năng rất lớn, trong khi dây dẫn điện lại có tiết diện nhỏ nên dẫn đến quá tải và chập cháy. Đặc biệt, thiết bị đóng ngắt tự động chất lượng kém, sử dụng lâu ngày… bị kẹt hoặc mất tác dụng cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chập cháy.
Tại địa bàn nông thôn, vùng cao, rất nhiều hộ có đường dây dẫn điện khá tạm bợ, tiết diện nhỏ, lắp đặt không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật… trong khi nhà cửa đều sử dụng vật liệu tre, nứa, cọ… nên khi chập điện rất dễ gây ra cháy lớn. Một số cơ sở sản xuất quy mô nhỏ như chế biến gỗ bóc, chế biến chè khô, nấu tinh dầu quế… nguy cơ cháy rất cao nhưng chủ và thợ lại rất chủ quan, không trang bị kiến thức và phương tiện chữa cháy.
Từ thực tiễn kể trên, mỗi cơ quan đơn vị, mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh và mọi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cần đưa khẩu hiệu "Phòng cháy tốt, chữa cháy giỏi” vào thực tiễn cuộc sống; trong đó, phải làm thật tốt công tác phòng cháy bởi việc chữa cháy luôn hết sức khó khăn, khi đã xảy ra cháy thì hậu quả rất khó lường. Đừng chủ quan, hãy nghĩ đến những khu rừng bị cháy đỏi hỏi rất đông lực lượng và phương tiện cứu chữa! Hãy nghĩ đến mất mát to lớn, những cái chết thương tâm bởi "giặc lửa” để có những hành động đúng!
Lê Tấn Đạt