Tính đến chiều 7/7/2020, bốn tỉnh ở khu vực Tây Nguyên ghi nhận 63 ca dương tính với bạch hầu, trong đó 3 ca đã tử vong. Đa số trường hợp mắc bệnh không được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu đủ mũi, đúng lịch. Theo Bộ Y tế, số ca mắc bệnh bạch hầu đã gấp 3 lần năm 2019. Diễn biến bệnh có nhiều điểm khác biệt: diện mắc rộng hơn, nhiều địa bàn mắc hơn, đối tượng mắc trải rộng mọi lứa tuổi, không riêng ở trẻ em.
Để chủ động kiểm soát, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh bạch hầu Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cấp chính quyền và các sở, ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Ngày 9-7, Bộ Y tế đã tổ chức phát động chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng để phòng, chống dịch bệnh, trong đó có bạch hầu.
Do làm tốt công tác tiêm chủng nên những năm qua trên địa bàn tỉnh Yên Bái không có trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của bệnh tại một số tỉnh, tỉnh Yên Bái đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống:
Trước hết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã tham mưu cho ngành Y tế, cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh ngay từ đầu năm, trong đó xây dựng các phương án cụ thể để ứng phó với tình hình dịch bệnh; tham mưu văn bản chỉ đạo thực hiện Công điện 862/CĐ-TTg ngày 08/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh bạch hầu; các kế hoạch PCDB theo mùa (Kế hoạch phòng chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân, mùa Hè…); các văn bản chỉ đạo về phòng chống dịch bệnh, về tiêm chủng mở rộng (TCMR), trong đó có tiêm vắc xin có thành phần bạch hầu trong chương trình TCMR.
Hai là Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh truyền nhiễm, đặc biệt lưu ý đối với các bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng trong đó có bệnh bạch hầu để triển khai các biện pháp phòng chống hiệu quả.
Ba là, thực hiện rà soát đối tượng trẻ em chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin 5 trong 1 (DPT-VGB-Hib - phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) để tổ chức tiêm bù cho trẻ ngay trong tháng 7, tháng 8 này…
Bốn là trong quý IV năm 2019 tỉnh Yên Bái đã triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Td phòng bệnh uốn ván - bạch hầu cho trẻ 7 tuổi tại 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, và đạt tỷ lệ trên 95%. Và sẽ tiếp tục triển khai chiến dịch trong Quý IV năm nay theo Quyết định của Bộ Y tế.
Năm là phối hợp với ngành Giáo dục triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, các lớp học, nhà trẻ đảm bảo môi trường thông thoáng, sạch sẽ. Hướng dẫn tổ chức việc theo dõi sức khỏe của trẻ em tại các trường mầm non, trường tiểu học và trung học cơ sở, thông báo cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh như sốt kèm theo đau họng, ho hoặc khàn tiếng để được cách ly, xử lý kịp thời, không để bùng phát dịch.
Sáu là phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng tuyên truyền vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu của bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời; tuyên truyền rõ lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh và vận động người dân đưa trẻ em đi tiêm chủng, trong đó có vắc xin phòng bệnh bạch hầu trong Chương trình TCMR đảm bảo đủ mũi và đúng lịch.
Tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu là cách tốt nhất để phòng bệnh.
Khuyến cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái:
Tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu là cách tốt nhất để phòng bệnh. Cần đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu như ComBe Five hoặc SII, vắc xin Td (phòng bệnh uốn ván - bạch hầu), phải tiêm đủ mũi và tiêm đúng lịch. Lịch tiêm chủng vắc xin ComBe Five hoặc vắc xin SII trong Chương trình TCMR gồm 3 mũi cơ bản tiêm khi trẻ đủ 2 tháng, 3 tháng, 4 tháng tuổi và tiêm 1 mũi nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi.
Ngoài ra người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh khác như:
1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
2. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ.
3. Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh phải được đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
4. Đối với người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.