Để thực hiện mục tiêu nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh đề ra, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế thúc đẩy đào tạo nghề, HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết chính sách ưu tiên phát triển nguồn nhân lực.
Hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đầu tư nâng cấp và hoạt động khá hiệu quả, nhất là Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư, là một trong 40 trường nghề chất lượng cao của cả nước.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, trong nhiệm kỳ, trên 98.000 lao động được đào tạo nghề (trên 19.000 lao động được đào tạo/năm), nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 63%, tăng 18% so với năm 2015, vượt 3% mục tiêu Nghị quyết. Sau đào tạo, trên 80% số lao động có việc làm, thu nhập ổn định.
Cơ cấu lao động khu vực nông nghiệp từ 69,4% năm 2015 xuống còn 61,9% năm 2020. Đào tạo nghề, tạo việc làm có thu nhập đã góp phần giảm hộ nghèo bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 4,93%/năm (cao hơn 0,93% so với giai đoạn trước), góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 32,21% năm 2016 xuống còn 7,56% năm 2020, hoàn thành trước một năm so với kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2016-2020.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm vẫn còn những hạn chế. Trong đó, chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội và nhu cầu của doanh nghiệp.
Cơ cấu trình độ đào tạo nghề tập trung ở trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, chiếm tỷ lệ cao (78%), trong khi trình độ trung cấp, cao đẳng chỉ chiếm 22%, dẫn đến chất lượng việc làm chưa cao, thiếu ổn định, năng suất lao động thấp, giai đoạn 2016-2020, năng suất lao động bình quân của tỉnh đạt 5,37%/năm, thấp hơn bình quân chung cả nước (5,8%/năm).
Sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để giải quyết việc làm chưa thực sự hiệu quả; định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT chưa đáp ứng yêu cầu.
Giai đoạn 2021-2025, mục tiêu của tỉnh đề ra là tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp có văn bằng, chứng chỉ đạt 40%; chuyển dịch lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp bình quân 2%/năm.
Để thực hiện mục tiêu đó, công tác đào tạo nhân lực cần đổi mới và nâng cao chất lượng hiệu quả hệ thống cơ sở đào tạo nghề đồng bộ với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ưu tiên đầu tư cho đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn, đội ngũ nhân lực kỹ thuật, quản lý, quản trị doanh nghiệp; sắp xếp, nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với sử dụng và tạo việc làm cho lao động.
Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh ưu tiên sử dụng lao động địa phương theo hướng cộng sinh, cộng hưởng; phát huy vai trò của Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sàn Giao dịch việc làm trực tuyến và Quỹ Xuất khẩu lao động nhằm thiết thực nâng cao hiệu quả việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.
Trong những giải pháp đề ra, cần chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, tư vấn giáo dục nghề nghiệp, việc làm, tập trung vào học sinh đang học và đã tốt nghiệp THCS, THPT trên địa bàn nhằm tăng tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp tham gia học nghề, đặc biệt là học nghề ở trình độ cao đẳng, trung cấp; thực hiện tốt giáo dục hướng nghiệp, giáo dục nghề nghiệp, tuyển dụng lao động tốt nghiệp các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh...
Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện Đề án chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt, tham mưu cho UBND tỉnh, HĐND tỉnh ban hành chính sách đặc thù của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 trong năm 2020 để thực hiện.
Cùng đó, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp được tỉnh thu hút đầu tư, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ, hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đặt hàng đào tạo theo địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo cho lao động đi xuất khẩu lao động; liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nhiệm vụ đặt ra là cần tăng cường gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, ký kết các hợp đồng đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, phấn đấu các trường cao đẳng, trung cấp, theo hướng mỗi trường ký kết hợp đồng đào tạo với ít nhất từ 3-4 doanh nghiệp; các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện ký kết ít nhất 2 hợp đồng đào tạo với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để đào tạo và cung ứng nhân lực theo nhu cầu doanh nghiệp.
Cùng đó, tổ chức hiệu quả các phiên giao dịch việc làm tại các địa phương và tại một số trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh; kết nối hiệu quả giữa doanh nghiệp và học sinh tốt nghiệp THCS, THPT không tiếp tục tham gia học thông qua các phiên giao dịch việc làm.
Cử cán bộ (cấp tỉnh, huyện) tham gia hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng lao động, đặc biệt là doanh nghiệp tuyển dụng nhiều lao động, kết nối tốt thông tin thị trường lao động để cung ứng lao động đi làm việc ngoài tỉnh, tăng cường xuất khẩu lao động đã qua đào tạo, hỗ trợ các huyện 30a trong việc xuất khẩu lao động...
Nguyễn Đình