Khi bắt tay triển khai thực hiện, huyện Yên Bình xác định hạt nhân của "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) là xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH). Bởi lẽ, GĐVH gắn với con người văn hóa, có vai trò quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, hàng năm, trên 90% các hộ trên địa bàn huyện Yên Bình đăng ký xây dựng GĐVH. Quá trình bình xét tại cộng đồng dân cư, nhiều hộ đạt danh hiệu GĐVH đã được vinh danh, không công nhận lại danh hiệu cho những hộ không đủ tiêu chuẩn. Điều này tạo ra tác động tích cực, khuyến khích các gia đình tự giác phấn đấu để đạt và giữ danh hiệu.
Nhằm từng bước nâng cao cả về lượng và chất phong trào xây dựng GĐVH trên địa bàn, Ban Chỉ đạo Phong trào "TDĐKXDĐSVH” cấp huyện đã xây dựng thang điểm để các xã, thị trấn triển khai xuống các thôn, xóm. Tuy tiêu chuẩn và thang điểm bình xét năm sau cao hơn năm trước nhưng tỷ lệ GĐVH trên địa bàn tăng lên qua từng năm.
Huyện có trên 26.100 hộ được công nhận GĐVH, đạt gần 90% tổng số hộ trong toàn huyện. Không dừng lại ở việc công nhận danh hiệu, phong trào xây dựng GĐVH ở huyện Yên Bình ngày càng đi vào thực chất khi gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống và xây dựng gia đình khá giả, hạnh phúc.
Cũng như các địa phương trên địa bàn tỉnh, huyện Trạm Tấu cũng quan tâm triển khai các nội dung phong trào, đặc biệt chú trọng thực hiện nếp sống văn hóa cho người dân. Địa phương có đa phần là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, nhiều hủ tục còn tồn tại ở một bộ phận dân cư như: tảo hôn, hôn nhân cận huyết; tổ chức lễ cưới linh đình, đám tang còn để người chết trong nhà lâu ngày...
Xác định rõ việc thay đổi nếp sống của đồng bào là vấn đề cốt lõi, cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện Trạm Tấu đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân; trong đó, vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng dân cư được chú trọng, phát huy.
Qua đó, tình trạng tảo hôn, thách cưới cao đã không còn phổ biến, việc cưới xin, ma chay, lễ hội cơ bản bảo đảm văn minh và tiết kiệm...
Đặc biệt, nếu như trước đây, đồng bào dân tộc Mông ăn tết kéo dài suốt một tháng thì từ năm 2012 đến nay, không còn ăn tết dài ngày vừa bảo đảm vui tươi, đầm ấm vừa tiết kiệm, dành thời gian cho sản xuất.
Nếu có dịp đến thăm các địa phương của huyện Lục Yên, vào mỗi buổi chiều, không khó để bắt gặp hình ảnh, những người nông dân vừa rời tay cày, tay cuốc đã cùng ra sân chơi cầu lông, bóng chuyền, bóng đá… nâng cao sức khỏe.
Nhiều năm qua, huyện luôn quan tâm đến phát huy và xây dựng các thiết chế văn hóa. Hầu hết các thôn, bản, tổ dân phố đều có nhà văn hóa và sân thể thao. Huyện có 1 sân vận động có khán đài, 40 sân bóng đá, 151 sân bóng chuyền hơi, 83 sân cầu lông…
Các thiết chế được quan tâm đầu tư, số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên là 35.210/117.366 người, bằng 30%; số gia đình thể thao là 4.370/28.330 gia đình, có 220 đội thể thao.
Có thể nói, những nội dung và phong trào cụ thể của Phong trào "TDĐKXDĐSVH” đã thổi làn gió mới, thúc đẩy phong trào xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh, đi vào đời sống, thấm sâu vào mỗi gia đình, thôn, bản, tổ dân phố, tình làng, nghĩa xóm; tiếp thêm nhịp điệu, sức sống mới và góp phần xây dựng nông thôn mới.
Thời gian tới, với sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, địa phương và sự ủng hộ, tham gia của người dân, hy vọng, công tác xây dựng đời sống văn hóa ở Yên Bái sẽ có những bước phát triển mới, tạo ra bước đột phá trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thu Hiền