Xuất phát từ thành phố Yên Bái lúc 5 giờ 25 phút đến 7 giờ 20 phút đoàn chúng tôi đã có mặt tại thị xã miền Tây của tỉnh. Sau khi tiếp nhiên liệu ở cây xăng ngã ba đầu thị xã, theo chiếc bán tải của huyện Văn Chấn dẫn đường, xe chúng tôi thẳng tiến vào xã An Lương.
Qua lối rẽ với giao lộ thị xã Nghĩa Lộ đi Mù Cang Chải, chiếc xe bán tải hiệu Fordranger bắt đầu lắc lư, gật gù chậm rãi bò trên con đường vùng cao. Hơn một giờ đồng hồ, qua quãng đường 25 km, chúng tôi có mặt tại UBND xã An Lương.
Sau những lời chào, những cái bắt tay thật chặt, tôi được phát một đôi ủng và được đồng chí Phó Bí thư Đoàn xã đích thân làm tài xế "xe ôm” đi điểm lẻ Sài Lương 2. Do đêm hôm trước có mưa to nên con đường trở nên trơn trượt và lầy lội, có đoạn bánh xe chìm trong bùn đất khiến tài xế phải dùng cả hai chân chống cho xe khỏi đổ.
Sau một hồi chật vật, nhiều phen thót tim chúng tôi cũng đến nơi. Đó là ngôi trường "nhà lắp ghép” vách, mái đều bằng tôn, các công trình phụ trợ mặc dù cũ kỹ nhưng rất gọn gàng, sạch sẽ, hai lớp trẻ mầm non 3-5 tuổi đang học thật hồn nhiên, trong trẻo.
Chúng tôi được chào đón trong niềm phấn khởi của các cô giáo và sự ngạc nhiên có phần sợ sệt của các chu. Trao quà và mặc đồng phục áo cờ đỏ sao vàng cho các cháu, ông Trường Nguyễn Việt kiều Mỹ là chủ (Kênh Văn hóa Việt Nam TV) vừa làm MC chương trình vừa hết lời khen ngợi các cô và trò thật chân tình và gợi nhiều cảm xúc.
Chúng tôi thật xúc động, được đón nhận tình cảm đầm ấm của cô và trò, mọi người muốn chụp nhiều ảnh, chuyện trò thật lâu, nhưng do trời d kéo mây, dọa mưa nên đoàn đành quay ra trung tâm xã để lên điểm trường tiếp theo là Suối Dầm.
Lần này, đường đi là thử thách thực sự!. Qua suối, chiếc xe máy của tôi bắt đầu vào số 1, lấy đà vượt dốc. Dốc đá lô nhô lẫn với đất đỏ nhão nhoét nên xe chỉ trực quay ngang, mùi nhiên liệu khét lẹt với tiếng động cơ như "xé”.
Thỉnh thoảng, do không làm chủ tình hình nên mông tôi lại bị dập xuống bất ngờ, đau điếng. Tôi bặm môi, nghiến răng, tay bám chặt bụng tài xế, mắt hướng lên núi, con dốc ngoằn ngoèo mỗi lúc một dài hơn, cao hơn…
Rồi khi lớp sương mù xuất hiện, thật thú vị, đúng là "bồng lai”! Không khí mỗi lúc mát hơn, rất dễ chịu. Khi những căn nhà người Mông hiện ra thì cũng là lúc chiếc xe máy gần như "kiệt sức”.
Gót ủng của tôi có lẽ chạm ống xả nên bỏng rẫy, cũng vừa lúc đến cổng lớp học. Đó là ngôi nhà mái bằng cao nhất thôn, cũng hiện đại nhất thôn và là niềm tự hào của thôn được xây dựng từ nhiều năm trước. Lớp học tuy cũ kỹ, đã lâu không được vôi ve, nhưng trong lớp sạch sẽ. Ngoài sân, hoa sài đất nở vàng rỡ trên nền lá biếc xanh, được cắt tỉa hình ngôi sao; những dây chong chóng "con lốc” kéo từ cổng chào luôn quay tít.
Điểm lớp chỉ có 35 trẻ, 2 cô giáo, hôm ấy có hơn 20 em tới lớp. Thấy chúng tôi đến, các em có vẻ vừa lạ, vừa tò mò. Một lát sau, đến giờ ăn trưa, em nào cũng tự xúc cơm ăn ngon lành, một số em ăn hết lại cầm bát xếp hàng lấy thêm. Vô cùng đáng yêu!
Sau khi trao quà, chúng tôi ai cũng quay hình, chụp ảnh lưu niệm, trao đổi, chuyện trò với các cô giáo. Cô Hồng, cô Diện không giấu nổi niềm vui cứ chạy ra, chạy vào như lâu ngày được gặp người thân đi xa về.
Thật cảm phục! Các cô giáo trẻ phải xa gia đình, con nhỏ tận thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ. Vậy mà ngày đêm tận tụy với con trẻ đồng bào Mông, Dao, Tày nơi vùng cao xa xôi này.
Ở đây, giữa lưng chừng núi cao, mây trắng với muôn vàn thiếu thốn, nhất là trong thời đại 4.0 mà bền gan, vững chí với sự nghiệp "trồng người” trong điều kiện không điện, không wifi, không sóng điện thoại.
Nhà nước đã có nhiều chính sách đầu tư cho giáo dục miền núi, cơ sở vật chất đã được cải thiện; số lượng, chất lượng giáo dục được nâng lên nhưng những điểm trường vùng sâu, vùng cao vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Mong rằng sẽ có thêm nhiều tổ chức, nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ sự nghiệp giáo dục theo tinh thần xã hội hóa.
Với tôi, đến với vùng cao không chỉ để trao đi (tổng số quà là đồ dùng học tập, sinh hoạt trị giá 35 triệu đồng, trong đó Hội Khuyến học tỉnh hỗ trợ 9,6 triệu đồng), mà còn nhận lại khi được trải nghiệm, sẻ chia với những khó khăn vất vả, thiếu thốn tinh thần của các cô giáo họ xuống đây là những người tiên phong trong sự nghiệp "trồng người”.
Trần Tho (Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh)