Từ đầu năm đến nay, cùng với chú trọng triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) đồng bộ từ thành phố đến xã, phường; sự vào cuộc của các cấp, các ngành liên quan việc kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố đã được phân cấp quản lý, từng bước hạn chế được sự chồng chéo, đem lại kết quả tích cực trong quản lý về ATTP. Theo đó, cấp thành phố kiểm tra 73 cơ sở, trong đó xử phạt 23 cơ sở với tổng số tiền hơn 22 triệu đồng, nhắc nhở 15 cơ sở. Cấp xã, phường kiểm tra 441 cơ sở, trong đó nhắc nhở 92 cơ sở.
Hoạt động giám sát ô nhiễm thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm được Phòng Y tế, Phòng Kinh tế, Trung tâm Y tế và các ban, ngành của thành phố chủ động thực hiện theo từng nhóm hàng, ngành hàng, nhóm sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế thành phố được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cấp test cho hoạt động xét nghiệm ATTP, đã có 100/100 mẫu kết quả đạt theo quy định.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về ATTP, trong lĩnh vực y tế, thành phố cấp 4 giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho cơ sở thuộc phạm vi quản lý, Trung tâm Y tế phối hợp với UBND các xã, phường tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho chủ cơ sở và nhân viên phục vụ; lĩnh vực nông nghiệp đã có 1.870 hộ/ 3.500 hộ ký cam kết ATTP, trong đó có 553 hộ trồng trọt, 1.011 hộ chăn nuôi; lĩnh vực công thương, Phòng Kinh tế đã phối hợp tổ chức cấp 16 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu, thuốc lá... Tuy nhiên, cùng với kết quả đã đạt được, công tác quản lý ATTP cũng gặp phải một số khó khăn.
Cụ thể, UBND các xã, phường chưa nắm rõ trách nhiệm, quyền hạn của mình trong công tác quản lý ATTP đối với các mặt hàng thuộc trách nhiệm của ngành nông nghiệp quản lý dẫn đến có sự lẫn lộn các sản phẩm thuộc các ngành nông nghiệp, công thương, y tế quản lý khi hướng dẫn các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện các quy định về ATTP. Nguồn nhân lực để thực hiện công tác quản lý ATTP của các đơn vị được giao nhiệm vụ còn mỏng; tuyến xã, phường có cán bộ làm kiêm nhiệm công tác ATTP nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm, trong khi đó, hầu hết các hoạt động về vệ sinh ATTP lại diễn ra chủ yếu ở các xã, phường. Con người, phương tiện, trang thiết bị tại tuyến cơ sở còn thiếu, nhất là trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra...
Các hình thức truyền thông hiệu quả; triển khai các đợt kiểm tra, giám sát cao điểm hàng năm như: tết Nguyên đán và Tháng hành động Vì ATTP; các biện pháp xử lý vi phạm nghiêm khắc... nên trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố không xảy ra các trường hợp ngộ độc thực phẩm, sự quan tâm của xã hội đối với vấn đề ATTP ngày càng nhiều. Nhận thức của người tiêu dùng và người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người kinh doanh dịch vụ ăn uống được nâng lên rõ rệt. Ý thức tuân thủ pháp luật về ATTP của người dân có sự chuyển biến tích cực.
Đồng chí Vũ Thị Thanh Thủy - Trưởng phòng Y tế thành phố Yên Bái cho biết: "Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ dân nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng kiến thức về ATTP. Đặc biệt, trong dịp tết Trung thu 2020 vừa qua, thành phố đã tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm cung cấp dịp tết Trung thu như: bánh, mứt, kẹo, bia, rượu, nước giải khát và các thực phẩm khác. Thông qua hoạt động kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về bảo đảm ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nhân dân...”.
Thành Trung