Trấn Yên: Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 30/10/2020 | 7:55:17 AM

YênBái - Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) ở Trấn Yên luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng, đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực. Dù là lao động ở lĩnh vực phi nông nghiệp hay nông nghiệp, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo nghề, phần lớn các học viên đều phát huy được kiến thức đã học áp dụng vào thực tế sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương.

Bế giảng lớp may công nghiệp tại xã Y Can, huyện Trấn Yên.
Bế giảng lớp may công nghiệp tại xã Y Can, huyện Trấn Yên.

Gia đình anh Đỗ Xuân Lâm ở thôn 2, xã Hòa Cuông là một trong số gia đình có thu nhập khá nhờ tham gia khóa đào tạo nghề cho LĐNT. Trước đây, gia đình anh Lâm chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ hơn chục con gà để phục vụ sinh hoạt. Sau khi học xong lớp chăn nuôi thú y, anh đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện, gia đình anh nuôi hơn 4.000 con gà/lứa, mỗi năm cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng. 

Anh Lâm chia sẻ: "Sau khi được tham gia lớp học nghề chăn nuôi thú y do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức, tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi như: cách phòng bệnh, chăm sóc đàn gia cầm theo từng thời kỳ… nhờ vậy mà đàn gà luôn khỏe mạnh và phát triển ổn định”. 

Là xã thuần nông, những năm qua, bên cạnh phát huy hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tiến tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, Y Can đã chú trọng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp. 

Qua khảo sát nhu cầu của các đối tượng trong độ tuổi lao động, năm 2020, xã Y Can đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tổ chức lớp may công nghiệp cho 30 học viên là đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số của thôn An Phú, An Thành, xã Y Can và thôn Vực Tròn, xã Lương Thịnh. 

Chị Triệu Thị Chinh ở thôn An Thành chia sẻ: "Được tham gia lớp sơ cấp nghề may công nghiệp, chúng tôi đã được học những kiến thức, kỹ năng cơ bản về nghề may, từ đó có cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp để nâng cao thu nhập. Ngoài ra còn được dạy thêu hoa văn trên trang phục truyền thống và hướng dẫn may các trang phục của đồng bào dân tộc Dao, góp phần bảo tồn nét văn hóa truyền thống và tạo ra các sản phẩm quảng bá du lịch địa phương”. 

Những năm qua, huyện Trấn Yên luôn xác định đào tạo nghề cho LĐNT là một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững. Do đó, các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về việc học nghề, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất.

Đồng thời, chú trọng tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm dưới nhiều hình thức nhằm giúp người lao động lựa chọn được ngành nghề phù hợp.

Theo đó, giai đoạn 2010 - 2020, Trấn Yên đã tổ chức đào tạo nghề theo Đề án 1956 cho trên 7.000 lượt người. Trong đó, đào tạo nghề nông nghiệp chiếm 67,31%; đào tạo nghề phi nông nghiệp chiếm 32,69%... Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt trên 58%, trong đó số lao động qua đào tạo 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ đạt 31%. 

Chỉ tính trong 8 tháng năm 2020, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đã mở được 9 lớp đào tạo nghề theo Đề án 1956 cho 270 LĐNT. Trong đó, có 5 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp tại các xã: Y Can, Hưng Khánh, Hồng Ca; 4 lớp đào tạo nghề nông nghiệp ở các xã: Hưng Thịnh, Tân Đồng, Đào Thịnh, Hòa Cuông. Nhìn chung, công tác đào tạo nghề đã giúp LĐNT được tiếp cận với các ngành nghề mới, tạo thêm cơ hội có việc làm, vươn lên thoát nghèo bền vững. 

Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho LĐNT ở Trấn Yên cũng gặp những khó khăn nhất định như: một bộ phận người lao động chưa có nhận thức đầy đủ về học nghề và việc làm nên đăng ký học nghề còn ít hoặc bỏ học giữa chừng, ảnh hưởng đến kết quả đào tạo nghề; cơ sở vật chất, trang thiết bị, giảng viên trung tâm dạy nghề còn thiếu; kinh phí thực hiện công tác đào tạo nghề cho LĐNT còn hạn chế so với yêu cầu… 

Ông Vũ Văn Phong - Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện Trấn Yên cho biết: "Thời gian tới, Trấn Yên tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu thị trường lao động; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hướng nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng trong hệ thống giáo dục phổ thông, thực hiện phân luồng, liên thông trong giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong việc đào tạo nghề; từng bước thực hiện cơ chế tự chủ, đặt hàng trong đào tạo nghề... Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 71%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp văn bằng, chứng chỉ đạt trên 42%”.
Trần Ngọc

Tags Trấn Yên Yên Bái đào tạo nghề nông thôn

Các tin khác

Phong trào thể dục thể thao đang phát triển rất mạnh, đó là dấu hiệu tốt, thể hiện cuộc sống văn minh.

Các nạn nhân còn sống sót đã được đưa ra ngoài và lên xe cấp cứu về Bệnh viện huyện Bắc Trà My.

Lực lượng cứu hộ lên xã Trà Leng cho hay hiện đã cứu sống được nhiều người trong vụ sạt lở. Số người mất tích còn 13 người, 6 thi thể được tìm thấy.

Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Hội lái xe 21 Yên Bái vận động ủng hộ 500 tấn hàng hóa cho đồng bào miền Trung.

Chiều 29/10, Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với Hội lái xe 21 Yên Bái tổ chức tiễn đoàn đi trao quà hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng mưa lũ tại các tỉnh miền Trung.

Trong sáng 29/10, các cây bị gãy đổ được cắt, dọn dẹp để mở đường cho lực lượng cứu hộ đi vào Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục