Sau 10 năm triển khai Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” (Đề án 1956), đến năm 2020, công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã hoàn thành đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó, giai đoạn 2010 - 2015, lao động được tuyển sinh đào tạo nghề là 3.061 người, đạt 122,4%, giai đoạn 2016 - 2019 là 3.838 người, đạt 153,5%, ước thực hiện năm 2020 là 1.000 người.
Các chế độ, chính sách khi thực hiện Đề án với giáo viên, giảng viên, cơ sở đào tạo nghề, đặc biệt là chính sách đối với người học như: được hỗ trợ kinh phí ăn trưa, đi lại, văn phòng phẩm, nguyên vật liệu, miễn phí học phí, lệ phí được tăng cường thông tin, phổ biến rộng rãi đến NLĐ để NLĐ biết, hiểu, từ đó nhiệt tình tham gia học nghề cũng như được hưởng lợi đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định.
Trong 10 năm thực hiện Đề án, Mù Cang Chải đã thực hiện 8 hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn và 5 hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã với tổng kinh phí ước đến hết năm 2020 là 15,17 tỷ đồng.
Đối với lao động nông thôn, đến năm 2020, huyện đã thực hiện điều tra, khảo sát đào tạo nghề cho trên 6.000 người, từ đó rà soát nhu cầu học nghề trong nhân dân, rà soát ngành nghề phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương để tổng hợp, đăng ký, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện.
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện là đơn vị thực hiện dạy nghề trong thời gian triển khai Đề án đã được hỗ trợ đầy đủ các thiết bị dạy nghề. Trung tâm có kế hoạch, phương pháp sử dụng khoa học, hợp lý và bảo quản tốt tài sản, trang thiết bị dạy nghề được đầu tư. Trung tâm cũng đã xây dựng, chỉnh sửa các chương trình, giáo trình học từ năm 2010 đến nay được 15 bộ; đồng thời, phát triển hệ thống giáo viên, cán bộ quản lý đảm bảo yêu cầu dạy và học.
Nhờ đó, lao động nông thôn sau học nghề có việc làm đạt 85,6%. Nhiều học viên đã tự mở một số dịch vụ nhỏ lẻ tại các bản để phục vụ nhu cầu nhân dân địa phương như: xưởng gò hàn của các anh Đồng Văn Tiến, Khang A Vàng; hiệu sửa chữa máy nông cụ của anh Vàng A Chư; chăn nuôi lợn của chị Khang Thị Bầu (xã Cao Phạ); thành lập 1 tổ xây dựng cho 14 lao động (xã Khao Mang); 1 tổ hợp tác thêu thổ cẩm cho 12 lao động; tổ hợp tác rèn truyền thống có 5-9 lao động; anh Hờ A Vàng tự mở xưởng làm gạch ba vanh (xã Chế Cu Nha)...
NLĐ sau học nghề đã nắm bắt kịp thời các kiến thức nghề học, kỹ năng lao động, tiếp cận được những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất thực tiễn; mạnh dạn đầu tư, tích cực chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, cây trồng; thực hiện sản xuất lao động theo quy trình, khoa học, có tính sáng tạo, góp phần giải quyết việc làm, tăng năng suất, thu nhập, từng bước xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Còn đối với đối tượng là cán bộ, công chức xã, huyện đã mở 56 lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng công chức xã theo vị trí chức danh của từng cán bộ cho 2.800 người.
Có thể thấy, sau 10 năm triển khai Đề án 1956, nhận thức của các cấp, các ngành, xã hội, cán bộ, công chức và NLĐ nông thôn về đào tạo nghề được nâng cao. Họ quan tâm, hiểu rõ vị trí, vai trò của Đề án và trách nhiệm của mỗi người nên tính tự giác, chủ động, sáng tạo và đưa ra các giải pháp, phương hướng nhiệm vụ về đào tạo nghề phù hợp.
Nhờ đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo dự kiến đến năm 2020 là 39,5%, lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ là 17%, trong đó năm 2010 con số này chỉ đạt lần lượt là 16,2% và 8%. Đối với huyện vùng cao Mù Cang Chải, thực hiện tốt công tác đào tạo nghề chính là một trong những giải pháp tối ưu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương.
Hoài Anh