Năm 2020, qua hơn 20 cuộc lấy ý kiến của trẻ em thuộc các liên đội, khu dân cư, trực tuyến trên mạng xã hội với trên 10.000 trẻ em tham gia, trên 200 ý kiến, kiến nghị, đề xuất của trẻ em đã được gửi về Thường trực HĐTE tỉnh tiếp tục cho thấy hiệu quả của mô hình HĐTE kể từ khi đi vào hoạt động.
Từ năm 2017 đến nay, Yên Bái là 1 trong 5 tỉnh trên toàn quốc được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên lựa chọn thí điểm thành lập HĐTE. Với 30 thành viên hiện nay, HĐTE tỉnh là mô hình điểm gồm các em thiếu nhi là đại diện tiêu biểu cho tiếng nói, nguyện vọng của thiếu nhi trên địa bàn tỉnh, qua đó định kỳ bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, trao đổi, đối thoại với lãnh đạo, HĐND tỉnh về các vấn đề liên quan đến trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Em Trần Thị Hà Thanh - Chủ tịch HĐTE tỉnh cho biết: "Ngay sau khi ra mắt, các thành viên HĐTE đã chủ động xây dựng chương trình hoạt động của từng thành viên theo thực tế địa phương; chia thành viên HĐTE thành 3 tiểu ban phụ trách 3 nội dung về: nhóm quyền được bảo vệ, nhóm quyền được tham gia và nhóm quyền được phát triển.
Các thành viên HĐTE tỉnh tại các địa phương, đơn vị nơi mình sinh sống và học tập thường xuyên tổ chức các hoạt động lấy ý kiến trẻ em tại đơn vị với các nhóm quyền trên thông qua nhiều cách làm, hình thức sáng tạo. Chúng em cũng tích cực thông tin, tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa, mục đích của mô hình HĐTE để trẻ em trên địa bàn sẵn sàng bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình thông qua HĐTE”.
Nhằm nâng cao năng lực của các thành viên mô hình HĐTE tỉnh trong các hoạt động lấy ý kiến của trẻ em từ địa phương, các hoạt động như diễn đàn trẻ em, hội thi dành cho trẻ em... được tổ chức tại các địa phương, tiêu biểu Diễn đàn trẻ em huyện Yên Bình năm 2018, qua đó 180 đội viên tiêu biểu đã được trực tiếp đối thoại với lãnh đạo UBND huyện, thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành của huyện; Hội thi "Quyền trẻ em” do Huyện đoàn Trạm Tấu tổ chức; các lớp tập huấn và truyền thông về tìm hiểu kiến thức và kỹ năng phát hiện vấn đề liên quan đến quyền trẻ em... tại huyện Lục Yên.
Từ khi thành lập đến nay, HĐTE tỉnh tổ chức được trên 300 hoạt động lấy ý kiến của thiếu nhi tại cơ sở với trên 1.000 tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của trẻ em và gần 500 tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị gửi về Thường trực HĐTE.
Các tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị tập trung nhiều vào vấn đề như: áp lực học tập, cơ sở vật chất ở trường học, thiên tai bão lũ ảnh hưởng tới cuộc sống; bạo hành xâm hại trẻ em trong học đường, tại cộng đồng, trong gia đình; làm sao để tạo một môi trường an toàn, lành mạnh, phòng tránh xâm hại trẻ em; vấn đề tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em; vấn đề trẻ em trong thế giới công nghệ số...
Các thông điệp của trẻ em đã được các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và HĐND, UBND tỉnh tiếp nhận và từng bước giải quyết một cách có hiệu quả.
Bên cạnh đó, tại các diễn dàn trẻ em tỉnh hàng năm, 30 thành viên của HĐTE tỉnh là nòng cốt chính trong các phiên thảo luận nhóm và thuyết trình với hình thức sân khấu hóa xoay quanh các nội dung liên quan đến trẻ em.
Đặc biệt trong chương trình đối thoại trực tiếp với lãnh đạo tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh về các vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, các thành viên HĐTE đã đưa ra những câu hỏi, những vấn đề liên quan và được đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh giải đáp thắc mắc, tư vấn, hướng dẫn các nội dung, ý kiến nêu ra. Sau mỗi diễn đàn có sự giám sát xem thông điệp các em đưa ra có được thực hiện hay chưa.
Qua hoạt động thực tế, mô hình HĐTE cho thấy ý nghĩa quan trọng trong việc tạo cơ hội cho trẻ em tỉnh phát huy tốt quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em, tạo sự bình đẳng và tạo môi trường tích cực để các em trao đổi ý kiến, tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất kiến nghị xuất phát từ cuộc sống, trong học tập, rèn luyện, vui chơi, giải trí và các vấn đề trẻ em quan tâm; là cầu nối giúp lãnh đạo các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực trẻ em nắm bắt tình hình, nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của trẻ em.
Thu Hạnh