Thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Yên Bái đã chủ động ban hành văn bản quy phạm pháp luật và văn bản tổ chức thực hiện một cách hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành Luật Trẻ em và các văn bản liên quan đến công tác phòng, chống xâm hại trẻ em đã được triển khai đồng bộ, qua nhiều kênh đến với địa phương và người dân.
Đặc biệt, công tác hỗ trợ, can thiệp khi trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại được cơ quan chức năng nỗ lực thực hiện. Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội là đơn vị phối hợp với các địa phương trong công tác tư vấn, hỗ trợ công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Từ năm 2011 đến tháng 6/2019, Trung tâm đã thực hiện quản lý đối với 18 trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục trên địa bàn tỉnh. Sau khi tiếp nhận thông tin ban đầu, nhân viên công tác xã hội đã đến thăm hỏi, động viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu hỗ trợ của gia đình; phối hợp với các đoàn thể tại địa phương để hỗ trợ về tâm lý cho gia đình, tư vấn cho gia đình về những trình tự, thủ tục liên quan đến pháp luật.
Bên cạnh đó, Trung tâm kết nối với Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ tại cộng đồng tỉnh Yên Bái tư vấn, trị liệu tâm lý cho các trường hợp trẻ em bị xâm hại và hỗ trợ nơi ở an toàn nếu gia đình có nhu cầu. Cùng đó, Trung tâm đã tổ chức 26 hội nghị truyền thông và in phát hành 30 bộ tài liệu tuyên truyền về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em cho các đại biểu là đại diện các đoàn thể địa phương, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ có nguy cơ bị xâm hại tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Nội dung tuyên truyền chủ yếu về thực trạng xâm hại tình dục trẻ em hiện nay và những kỹ năng cho người chăm sóc trong việc phòng chống xâm hại tình dục trẻ em; thông tin liên lạc báo cáo khi có sự cố về xâm hại tình dục trẻ em. Hoạt động truyền thông đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, gia đình, người chăm sóc trẻ em, góp phần hạn chế tình trạng xâm hại tình dục đối với trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Ngoài hoạt động hỗ trợ, can thiệp của Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội, tại các huyện Lục Yên, Văn Chấn còn được triển khai dự án chấm dứt bạo lực, xâm hại trẻ em với hàng loạt các hoạt động như truyền thông về kỹ năng phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em; diễn đàn, đối thoại về phòng chống bạo lực trẻ em; hỗ trợ, tâm lý, y tế, giáo dục, pháp lý và thăm 178 trẻ bị ảnh hưởng bởi bạo lực gia đình…
Các hoạt động can thiệp hỗ trợ với trẻ em đều được thực hiện kịp thời, giúp trẻ và gia đình ổn định tâm lý, tiếp cận được với các dịch vụ hỗ trợ. Cũng từ năm 2011 đến tháng 6/2019, cơ quan chức năng đã điều tra, xử lý 266 vụ, 256 đối tượng có hành vi xâm hại trẻ em; xử lý các tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến hành vi xâm hại…
Theo xu thế phát triển của xã hội, cơ chế tiếp nhận, xử lý thông tin về xâm hại trẻ em sẽ được phổ biến rộng rãi hơn; nhận thức xã hội về thực hiện quyền trẻ em, về bảo vệ trẻ em được nâng cao, nạn nhân và gia đình, người dân từ chỗ không muốn hoặc không dám tố cáo, tố giác sẽ lên tiếng vì lợi ích chung, dẫn đến thông tin, tố cáo, tố giác về bạo lực, xâm hại trẻ em sẽ có xu hướng tăng lên.
Đây sẽ là những điều kiện thuận lợi để công tác thực hiện chính sách, pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ sẽ ngày một nâng cao để ứng phó hiệu quả hơn với tình hình xâm hại trẻ em có thể có diễn biến mới, phức tạp, tinh vi hơn theo như dự báo của cơ quan chức năng.
Tỉnh cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống xâm hại trẻ em, chú trọng thông tin đến tận vùng sâu, vùng xa và đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong quá trình thực hiện các hoạt động về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, đồng thời tiếp tục xây dựng các mô hình cam kết thực hiện tốt công tác phòng, chống xâm hại trẻ em tại cơ sở có nguy cơ xảy ra các vụ xâm hại trẻ em.
Thu Hạnh