Trấn Yên nâng cao chất lượng lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm

  • Cập nhật: Thứ ba, 17/11/2020 | 8:19:24 AM

YênBái - Thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) ở huyện Trấn Yên đã theo nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, của thị trường lao động và nhu cầu học nghề của LĐNT.

Được đào tạo nghề, nhiều hộ nông dân ở Trấn Yên đã triển khai các mô hình, dự án chăn nuôi, sản xuất có hiệu quả kinh tế cao.
Được đào tạo nghề, nhiều hộ nông dân ở Trấn Yên đã triển khai các mô hình, dự án chăn nuôi, sản xuất có hiệu quả kinh tế cao.

Đồng thời gắn đào tạo nghề với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch xây dựng nông thôn mới (XDNTM), đáp ứng nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và giảm nghèo bền vững hướng tới nâng cao chất lượng LĐNT, giải quyết việc làm, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Sau khi tỉnh triển khai Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 27 ngày 05/7/2010 của Tỉnh ủy Yên Bái về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020”, Trấn Yên đã tổ chức hội nghị triển khai tới cán bộ chủ chốt từ huyện tới xã, thị trấn và ban hành các văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện, thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) cấp huyện, Hội đồng thẩm định hồ sơ đặt hàng đào tạo nghề cho LĐNT.

Là một huyện miền núi vùng thấp của tỉnh, Trấn Yên có lực lượng lao động là 55.861 người, trong đó: lao động trong khu vực thành thị 3.327 người, chiếm 5,95%; lao động thuộc khu vực nông thôn 52.534 người, chiếm 94,05%. Dù nguồn lao động dồi dào, song chất lượng, năng suất lao động chưa cao, nhiều LĐNT chưa được đào tạo nghề. 

Xác định công tác chỉ đạo thực hiện đào tạo nghề LĐNT có vai trò quan trọng, tích cực góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với XDNTM của địa phương, trong những năm qua, Trấn Yên đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của toàn xã hội để công tác đào tạo nghề cho LĐNT có điều kiện đạt được chất lượng, hiệu quả cao nhất. 

Nếu như năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 18,79%, trong đó qua đào tạo nghề là 13,16% thì đến năm 2019, tỷ lệ này là 55,52%, trong đó đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ là 30,2%. 

Huyện phấn đấu hết năm nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 59,5%, trong đó đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ là 31,5%. 

Ông Nguyễn Quang Chung - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Trấn Yên cho biết: "Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao, các cơ quan thành viên và các thành viên BCĐ đã hoạt động theo chức trách nhiệm vụ để chỉ đạo điều hành; BCĐ cấp huyện đã phân công các thành viên phụ trách các xã, thị trấn; phối hợp với các tổ chức đoàn thể xã hội, các cơ sở dạy nghề để tổ chức tuyên truyền, vận động LĐNT tham gia học nghề. Đối với BCĐ cấp xã đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên tuyên truyền, tư vấn học, vận động LĐNT tham gia học nghề...”. 

Từ năm 2010 đến năm 2019, có 2.648 học viên sau học nghề được vay vốn phát triển sản xuất với số vốn vay là 68,8 tỷ đồng đã hỗ trợ tích cực cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ gia đình để mở rộng sản xuất, thu hút tạo việc làm cho nhiều lao động, đặc biệt là LĐNT, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động. 

Cũng thông qua chương trình cho vay này, các hội, đoàn thể có điều kiện đi sâu, đi sát tới từng cơ sở, từ đó, gắn kết hoạt động kinh tế với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đẩy mạnh các phong trào thi đua làm kinh tế giỏi.

Kết quả đáng mừng

Bên cạnh xây dựng cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện Đề án 1956, việc tư vấn học nghề, việc làm miễn phí, đổi mới chương trình và nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các trường THCS, THPT, phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo, phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý, tìm và tạo việc làm cho LĐNT luôn được Trấn Yên chú trọng. 

Hàng năm triển khai các văn bản hướng dẫn, các danh mục đào tạo nghề nghiệp, các định mức chi phí đào tạo, chế độ chính sách của Nhà nước trong đào tạo nghề, xây dựng các biểu mẫu rà soát thống kê nhu cầu học nghề… 

Phối hợp với một số trường nghề ngoại tỉnh tuyển sinh, tuyên truyền, tư vấn học nghề cho học sinh khối lớp 12 của các trường: THPT Lê Quý Đôn, THPT Hưng Khánh, Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện và một số trường THCS trên địa bàn huyện. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện liên kết mở nhiều lớp nghề theo hướng xã hội hóa, đặc biệt là hoạt động thí điểm và nhân rộng các mô hình điển hình dạy nghề cho LĐNT. 

Các mô hình dạy nghề điển hình có tỷ lệ tạo việc làm cao, có thu nhập khá đã và đang được duy trì có hiệu quả như: nghề trồng và sơ chế măng tre Bát độ ở các xã: Kiên Thành, Hồng Ca, Lương Thịnh; nuôi tằm và sơ chế kén tằm tại các xã: Việt Thành, Tân Đồng, Báo Đáp, Hòa Cuông; phát triển trang trại trồng cây ăn quả có múi tại xã Hưng Thịnh; chăn nuôi gà thương phẩm tại xã Minh Quán, xã Quy Mông, Y Can... 

Học viên học nghề nông nghiệp sau khi kết thúc khóa học đã biết vận dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi cho thu nhập cao, trong đó phải kể đến lao động tham gia lớp học nghề nuôi tằm và sơ chế kén tằm, thu nhập từ nuôi tằm tăng gấp 2,5 lần so với trồng lúa hay nghề chăn nuôi, nghề trồng và sơ chế măng tre Bát độ, trồng cây ăn quả có múi... 

Kết quả từ các lớp học nghề đã đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp, sản phẩm sau khi thu hoạch có chất lượng tốt, sản lượng thu hoạch cao có thương hiệu, lao động tham gia sản xuất có thu nhập ổn định, trung bình từ 5-10 triệu đồng/người/tháng trở lên.

Đối với các học viên học nghề phi nông nghiệp như nghề may mặc đã có 1.500 lao động làm việc tại công ty may trên địa bàn huyện và tỉnh hay hàng năm có khoảng 90 lao động lao động làm việc tại Công ty Điện tử Samsung Việt Nam có thu nhập ổn định từ 7-9 triệu đồng/người/tháng.

Việc đổi mới và phát triển đào tạo thêm nhiều ngành nghề, các lớp nghề được mở tại các thôn, bản đã tạo điều kiện thuận lợi để LĐNT tham gia được các lớp học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế của gia đình. 

Đồng thời tạo cơ hội thuận lợi cho người dân được hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người bị thu hồi đất canh tác, người khuyết tật có cơ hội tiếp cận được việc làm tại các doanh nghiệp và tham gia xuất khẩu lao động…
 
Những kinh nghiệm quý

Từ việc được đào tạo nghề đã có sự chuyển biến tích cực trong tập quán sản xuất của người dân, giúp cho người dân biết lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp, nắm được kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi giúp giảm bớt thời gian và chi phí trong sản xuất cho thu nhập cao hơn. 

Trong quá trình thực hiện Đề án 1956, ngoài thu được kết quả đáng mừng, Trấn Yên còn thu được nhiều kinh nghiệm trong triển khai thực hiện chính sách này. Đó là thực hiện tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp dạy nghề và việc làm cho lao động bằng nhiều phương pháp khác nhau, chỉ khi người lao động thấy rõ tầm quan trọng của việc học nghề, học để cho mình, để nâng cao năng suất, chất lượng lao động, góp phần phát triển kinh tế gia đình thì việc đào tạo nghề mới thực sự có hiệu quả. 

Bám sát thực tế, công tác giám sát, kiểm tra các hoạt động dạy nghề được thực hiện thường xuyên ở tất cả các cấp để có kết quả thực chất. Cùng với việc hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch của công tác đào tạo nghề, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, huyện đã chú trọng đến chất lượng đào tạo nghề, việc làm cho lao động sau đào tạo và hiệu quả sau đào tạo. 

Với các xã, thị trấn, luôn chỉ đạo cán bộ làm công tác lao động - thương binh và xã hội phối hợp với các tổ chức đoàn thể xã hội trên địa bàn điều tra, khảo sát nhu cầu dạy nghề trên địa phương mình. 

Thực hiện tốt việc lồng ghép kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT vào các chương trình hội nghị, tập huấn của các ban, ngành, đoàn thể, đồng thời kiểm tra, đánh giá hiệu quả từng tháng, quý, năm. Có sự phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc thực hiện vay vốn giải quyết việc làm đối với người lao động, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cho người lao động sau khi học nghề. 

Đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề, kêu gọi các tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở dạy nghề; vận động các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ tham gia dạy nghề cho LĐNT. 

Đặc biệt là có sự gắn kết chặt chẽ giữa địa phương, doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề từ khâu đầu tiên điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động và giải quyết việc làm, bao tiêu sản phẩm cho LĐNT sau khi học nghề… 

Qua công tác tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 1956 về đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện, các cấp, các ngành từ huyện đến xã và người lao động đã nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề, góp phần xóa đói giảm nghèo, giúp LĐNT có cơ hội tiếp cận được việc làm tại các doanh nghiệp và tham gia xuất khẩu lao động, đáp ứng nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và giảm nghèo bền vững. 

Giai đoạn 2010 - 2020, Trấn Yên có 7.006 người/6.215 người được đào tạo nghề theo Đề án 1956, đạt 112,72% so mục tiêu kế hoạch. Tổng kinh phí thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn 2010 - 2020 là gần 10 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương hơn 6,8 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 3,1 tỷ đồng. Số hộ học viên sau khi được đào tạo nghề thoát nghèo đạt 71,84% số hộ; số hộ sau học nghề phát triển kinh tế khá đạt trên 31,82%. Công tác đào tạo nghề đã góp phần quan trọng giúp Trấn Yên thực hiện thành công huyện nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Thành Trung

Tags Trấn Yên Kiên Thành Hồng Ca Lương Thịnh Việt Thành Tân Đồng Báo Đáp Hòa Cuông Minh Quán xã Quy Mông Y Can đào tạo nghề lao động nông thôn

Các tin khác
Các đại biểu dự Lễ công bố tại điểm cầu tỉnh Yên Bái

Chiều 16/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ công bố “ Ứng dụng Bảo hiểm xã hội Việt Nam trên nền tảng thiết bị di động – VssID”. Dự lễ công bố tại điểm cầu Yên Bái có đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành.

Sau 5 ngày nỗ lực tìm kiếm, sáng 16/11, lực lượng chức năng huyện Bắc Trà My đã tìm thấy thi thể ông Huỳnh Văn Hạ - nạn nhân bị vùi lấp do sạt lở núi hôm 11/11.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng - đoàn viên công đoàn cơ sở Trường THPT Hoàng Quốc Việt luôn có những sáng kiến, sáng tạo, đổi mới trong phương pháp dạy học.

Tiêu biểu như các đoàn viên thuộc Công đoàn cơ sở Trường THPT Hoàng Quốc Việt đã có các sáng kiến hưởng ứng các phong trào thi đua như: "Dạy tốt, Học tốt”, "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, "Lao động giỏi, lao động sáng tạo”...

Sương mù dày đặc trên đèo Pha Đin.

Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời lạnh, có nơi trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 17-20 độ C, vùng núi 15-17 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 12 độ C.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục