Khai thác lợi thế phát triển nông nghiệp, chị Triệu Thị Kiên, thôn Hồ Sen, xã Bạch Hà, huyện Yên Bình đã mạnh dạn phát triển mô hình kinh tế tổng hợp trồng rừng và cây ăn quả. Trong khoảng thời gian từ năm 2014 - 2016, chị Kiên đã đầu tư trồng 5 ha bạch đàn.
Cùng với đó, chị đã vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư mua máy móc, dựng nhà xưởng chế biến gỗ ván bóc. Chị cũng tích cực học hỏi, nghiên cứu cách thức, phương pháp trồng trọt, chăn nuôi để phát huy hiệu quả mô hình kinh tế của gia đình.
Hiện mô hình của chị Kiên có 400 gốc bưởi các loại, 30 cây ổi lê đã cho thu hoạch và cơ sở sản xuất gỗ rừng trồng, tổng thu nhập đạt trên 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 7-9 lao động địa phương với mức thu nhập từ 4 đến 6 triệu đồng/tháng.
Chị Kiên chia sẻ: "Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, tôi còn vận động anh, em, bạn bè, hàng xóm tích cực tham gia các lớp tập huấn, học nghề, chuyển giao khoa học, kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt như: kỹ thuật nuôi lợn, ong, cá, chăm sóc chè và quy trình thâm canh cây bưởi theo chuỗi giá trị sản phẩm để áp dụng vào sản xuất, thâm canh giúp các hộ thoát nghèo”.
Được biết, chị đã đầu tư cây giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng sắn cho 7 hộ trồng trên 10 ha đất đồi, đồng thời bao tiêu sản phẩm của 7 hộ này. Đến nay, 7 hộ có thu nhập ổn định, kinh tế phát triển bền vững, 3 hộ đã thoát nghèo năm 2018, 2019. Với thành tích đã đạt được, gia đình chị Kiên đã được bình xét gia đình văn hóa và hộ sản xuất kinh doanh giỏi, là hội viên nông dân điển hình tiên tiến của xã.
Anh Mùa A Lử, bản Háng Xê, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu nhiều năm qua cũng đã tích cực tham gia Phong trào "Nông dân sản xuất kinh doanh (SXKD) đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, tích cực áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, nắm bắt và tiếp thu những biến đổi của thị trường, sản xuất đúng khung thời vụ.
Anh Lử cho hay: "Ngoài thực hiện phong trào, tôi còn quan tâm đến vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng trừ sâu bệnh, dịch bệnh trong sản xuất và chăn nuôi, áp dụng quy trình chăn nuôi, sản xuất sạch, an toàn và tranh thủ các nguồn vốn vay của các ngân hàng để đầu tư vào phát triển kinh tế gia đình”.
Hiện mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình anh Lử đã có trên 5 ha ruộng, nương, thảo quả, gần 30 con gia súc... thu nhập ổn định 150 triệu đồng/năm. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Lử còn tích cực giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh khó khăn trong thôn vươn lên thoát nghèo được địa phương ghi nhận.
Chị Kiên, anh Lử chỉ là 2 trong 51 nông dân tỷ phú, triệu phú, những nhân tố tích cực trong thực hiện phong trào "SXKD giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được tuyên dương trong số hơn 62.000 hội viên nông dân đăng ký tham gia Phong trào của Hội Nông dân tỉnh năm 2020.
Để hội viên thực hiện tốt Phong trào, những năm qua các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã và đang triển khai tốt chương trình phối hợp với 17 sở, ngành của tỉnh để tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, giúp nông dân về vốn, giống, khoa học, kỹ thuật và dạy nghề. Các cấp Hội cũng vận động tương trợ, giúp đỡ hộ hội viên nông dân nghèo về giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất để vươn lên thoát nghèo.
Điển hình như Hội Nông dân huyện Trấn Yên đã huy động được 587 triệu đồng, 770 ngày công, hỗ trợ cây con giống trị giá 185 triệu đồng giúp 112 hộ nghèo phát triển kinh tế; Hội Nông dân thị xã Nghĩa Lộ đã vận động các nguồn lực giúp 44 hội viên nông dân thoát nghèo; Hội Nông dân huyện Yên Bình vận động, hỗ trợ xóa nhà tạm cho 2 hộ hội viên nông dân…
Trong 2 năm 2019 và 2020, qua thực hiện Chương trình hành động 144 và Chương trình hành động 190 của Tỉnh ủy Yên Bái, các cấp Hội đã hình thành một số vùng chuyên canh chất lượng cao; xây dựng 103 mô hình SXKD có hiệu quả trên lĩnh vực nông nghiệp gắn với hợp tác xã, tổ hợp tác, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động; qua đó, đã giúp trên 300 hộ hội viên thoát nghèo.
Minh Huyền