Đồng thời, tích cực bồi dưỡng kiến thức về trồng và sử dụng cây thuốc nam cho đội ngũ cán bộ, hội viên, góp phần bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đối với công tác bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu, HĐY tỉnh đã chủ động phối hợp với các đơn vị trong và ngoài tỉnh, trung tâm y tế, HĐY các huyện, thị, thành phố tổ chức các đợt điều tra, nghiên cứu cây thuốc và tiềm năng phát triển nguồn dược liệu tại tỉnh.
Thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh "Điều tra khảo sát thực trạng cây thuốc nam bản địa, các bài thuốc dân gian và xây dựng một số mô hình vườn thuốc nam nhằm bảo tồn phát triển cây thuốc, bài thuốc quý tỉnh Yên Bái”, HĐY tỉnh đã sưu tầm được 983 bài thuốc, trong đó có 6 bài thuốc gia truyền, 977 bài thuốc dân gian cùng 630 loại cây thuốc trong toàn tỉnh; xây dựng được 3 mô hình trồng cây thuốc bảo tồn tại Trạm Y tế tại xã Phúc Sơn (huyện Văn Chấn), xã Bảo Ái (huyện Yên Bình) và phường Trung Tâm (thị xã Nghĩa Lộ); phát triển nguồn dược liệu và tạo sinh kế cho người dân khai thác bền vững nguồn cây thuốc nam bản địa tại xã Thượng Bằng La (huyện Văn Chấn), xã Bảo Ái (huyện Yên Bình) và phát triển trồng giống cà gai leo ở huyện Trấn Yên.
Giai đoạn từ 2017-2020, HĐY tỉnh là đối tác của Dự án "Nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị cây thuốc nam” do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ và Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng Yên Bái (YENBAI CDSH) là chủ Dự án.
HĐY tỉnh đã cùng với nhóm tư vấn của YENBAI CDSH khảo sát, đánh giá, phân tích tiềm năng thị trường và cơ hội gia tăng giá trị cho các sản phẩm liên quan đến cây thuốc và 9 bài thuốc y học cổ truyền (YHCT) tại Yên Bái và một số tỉnh, thành; tổ chức hội thảo xây dựng kế hoạch kinh doanh chi tiết cho 9 bài thuốc tiềm năng và hỗ trợ đăng ký quyền sở hữu các bài thuốc.
Để phát triển nguồn cây thuốc nam và hỗ trợ các hộ dân có điều kiện vươn lên trong phát triển kinh tế, HĐY tỉnh đã hỗ trợ 56 hộ gia đình thuộc 4 xã của 2 huyện Yên Bình và Văn Yên trồng 940.000 cây cà gai leo với tổng diện tích 80.000 m2; hỗ trợ 20 hộ gia đình ở huyện Yên Bình thoát nghèo bền vững thông qua hoạt động hỗ trợ trồng cây thuốc, hướng dẫn kỹ thuật trồng, thu hoạch, sơ chế, kết nối doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Nhờ làm tốt công tác bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu tại địa phương, đến nay các loại cây dược liệu cà gai leo, khôi nhung đã ngày càng được nhân rộng trồng ở nhiều địa phương và mang lại thu nhập cho người dân.
Đối với công tác thừa kế, ứng dụng YHCT và nghiên cứu khoa học, HĐY tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh phát triển, bảo tồn các môn thuốc, bài thuốc, phương pháp chữa bệnh bằng YHCT. Theo đó, các lương y giỏi, những người có bài thuốc hay, môn thuốc quý của các dân tộc đã tích cực trao đổi, truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm cho con cháu và hội viên. HĐY tỉnh cũng đã phát động phong trào cống hiến bài thuốc tâm đắc và thường xuyên phối hợp tổ chức hội thảo trình bày những bệnh án điển hình, những kinh nghiệm chữa bệnh của các thầy thuốc, lương y giỏi.
Qua hoạt động này đã tập hợp được hàng trăm bài thuốc hay, môn thuốc quý để chữa bệnh. Hiện tại, các chi HĐY trong toàn tỉnh đã ứng dụng 30 đề tài thuộc lĩnh vực y dược cổ truyền vào công tác khám chữa bệnh tại các chi hội; một số bài thuốc chữa các bệnh: thận - tiết niệu, gan - mật, cơ xương khớp… đã được đưa vào nghiên cứu, lựa chọn để ứng dụng phục vụ lâu dài cho công tác chăm sóc sức khỏe bằng thuốc YHCT.
Từ năm 2015 - 2020, toàn tỉnh đã có gần 1.700.000 người khám, chữa bệnh bằng YHCT tại các cơ sở y tế và cơ sở của ông lang, bà mế, trong đó có hơn 54.000 người khám chữa bệnh không dùng thuốc, hơn 66.000 người được khám chữa bệnh miễn phí.
Số người bệnh được khám chữa bệnh bằng YHCT, YHCT kết hợp y học hiện đại và phương pháp không dùng thuốc chiếm tỷ lệ gần 20%.
Để bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu quý hiếm của địa phương và tổ chức tốt việc khám chữa bệnh bằng y dược cổ truyền, thời gian tới, HĐY tỉnh sẽ tiếp tục phát động phong trào trồng cây thuốc nam đến mọi nhà, mọi người; tổ chức tốt việc nuôi trồng và thu hái, bảo tồn chế biến nguồn dược liệu tại địa phương; khai thác dược liệu, bào chế, sản xuất thuốc có chất lượng cao; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và giữ gìn tính đặc thù của nền đông y; thực hiện tốt công tác phối hợp với ngành y tế nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng YHCT; thường xuyên tổ chức tập huấn, hội thảo về chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm khám chữa bệnh, các thông tin về lĩnh vực hoạt động đông y cho hội viên.
Hồng Oanh