Văn Yên phát huy hiệu quả Đề án 1956

  • Cập nhật: Thứ ba, 22/12/2020 | 7:51:08 AM

YênBái - Chúng tôi về thôn Bến Đền, xã Đông Cuông để tham quan lớp học nghề mây tre đan. Mặc dù cuối năm, nhưng vẫn có gần 30 người tham gia lớp học, ai nấy đều hào hứng tham gia. Anh Hoàng Văn Cơ, thôn Sài Lương cho biết: "Chúng tôi rất phấn khởi vì lớp học này đáp ứng được nhu cầu người dân trong phục vụ lễ hội và phát triển du lịch tại địa phương”.

Phụ nữ Văn Yên học nghề mây tre đan phục vụ nhu cầu tâm linh và du lịch của người dân và du khách.
Phụ nữ Văn Yên học nghề mây tre đan phục vụ nhu cầu tâm linh và du lịch của người dân và du khách.

Sau 1 tháng được giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp của huyện và nghệ nhân địa phương hướng dẫn, các lao động sẽ cơ bản đan được hình các con vật như voi, ngựa, rắn… và cắm hoa để phục vụ nhu cầu của khách khi đến đền Đông Cuông hành lễ. 

Ông Lương Ánh Điền – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Xuất phát từ nhu cầu thực tế địa phương và được sự quan tâm của huyện, mỗi năm xã tổ chức từ 1 - 2 lớp dạy nghề theo Đề án 1956. Lớp học mây tre đan là một lớp đáp ứng được nhu cầu của lao động. Với tỷ lệ qua đào tạo đạt 78%, các lao động qua đào tạo đã áp dụng kiến thức vào sản xuất, nâng cao thu nhập của gia đình, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã còn 3,1%”. 

Xã Yên Hợp cũng hàng năm tổ chức từ 1 – 2 lớp đào tạo nghề cho lao động địa phương, mỗi lớp từ 25 - 30 học viên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, trồng nấm… Ông Đinh Xuân Trung - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn đạt trên 75%. Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hàng hóa như chăn nuôi gà từ 2.000 đến dưới 3 vạn con; trồng rau, nấm an toàn, phát triển mô hình trang trại, chế biến quế...”. 

Đời sống người dân được nâng lên, năm 2017, Yên Hợp đã hoàn thành và đạt chuẩn quốc gia xây nông thôn mới. Sau 10 năm thực hiện Đề án của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956), tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề của Văn Yên đã đạt trên 90%, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế nông nghiệp và góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới của huyện với 12 xã đã đạt chuẩn. 

Bên cạnh đó, trên cơ sở văn bản quy định về tiêu chuẩn cán bộ, công chức và nhu cầu thực tế, từ năm 2010 - 2019, có 410 cán bộ, công chức cấp xã của Văn Yên được đào tạo nâng cao trình độ, gồm 274 đại học, 14 cao đẳng, 122 trung cấp và 850 lượt cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Bà Lã Thị Liền – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành đoàn thể từ cấp huyện đến cơ sở. Đặc biệt, huyện chú trọng nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và nhân dân, nhất là người lao động về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc học nghề, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. 

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tập triển khai, lồng ghép với các chính sách khác như chính sách hỗ trợ trực tiếp cho vay vốn tín dụng, dạy nghề, xuất khẩu lao động, triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay vốn, chính sách khuyến công, thu hút đầu tư các doanh nghiệp trên địa bàn; thực hiện các dự án, đề án như: Đề án xây dựng nông thôn mới, các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh trên địa bàn... Do đó, hiệu quả đạt được là rất tốt.

Từ những kết quả đạt được, giai đoạn 2020 - 2025, Văn Yên đề ra mục tiêu hàng năm đào tạo các cấp cho trên 3.000 lao động, phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt trên 72%, năm 2030 đạt trên 75%. Trong đó, chú trọng đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, gắn với tạo việc làm cho lao động nông thôn vùng dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách thực hiện giảm nghèo bền vững trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025...  

Thời gian tới, Văn Yên sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, để đào tạo nghề tiếp tục hiệu quả, chuyển đổi cơ cấu lao động, giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo, thực hiện thắng lợi các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.

Giai đoạn 2010 - 2020, Văn Yên có 8.254 lao động nông thôn được đào tạo nghề. Trong đó, nhóm nghề nông nghiệp chiếm 76,6%; nhóm nghề phi nông nghiệp chiếm 23,4%; ngoài ra có 3.276 người được hỗ trợ học nghề theo Đề án. Sau 10 năm triển khai thực hiện Đề án 1956, tỷ lệ lao động nông thôn của huyện qua đào tạo đạt 70%, tỷ lệ lao động có văn bằng chứng chỉ đạt trên 29%.

Nguyễn Đình

Tags Văn Yên Yên Bái Đề án 1956 đào tạo nghề

Các tin khác
Đỉnh Fansipan khi nhiệt độ xuống mức -3 độ C.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, đêm 20/12 nhiệt độ tai Sa Pa xuống rất thấp; trên đỉnh Fansipan, sáng sớm nay (21/12) nhiệt độ xuống mức - 3 độ C, băng tuyết đã phủ lớp trắng mỏng trên đỉnh Fansipan.

Lãnh đạo Agribank Chi nhanh Bắc Yên Bái trao quà cho hộ nghèo.

Gia đình anh chị Lê Thị Trường – Vũ Ngọc Thương, thôn Thanh Giang, xã Âu Lâu và bà Bùi Thị The, thôn Minh Long, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái là 2 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở.

Đoàn viên Công đoàn cơ sở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái thực hiện xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm.

Nhằm tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở, Liên đoàn lao động tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 08 ngày 31/7/2015 về việc nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở. Sau 5 năm triển khai, Công đoàn ngành y tế đã cụ thể hóa Nghị quyết thành những nhiệm vụ cụ thể, thiết thực.

Ảnh minh hoạ.

Vừa qua, UBND tỉnh Yên Bái có Công văn số 3959 về việc triển khai Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” năm 2021.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục