Yên Bái thực hiện chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh từ năm 2013 tại 38 xã của 7/9 huyện, thị xã, thành phố. Giai đoạn từ 2013 đến 2018, các hoạt động truyền thông về chương trình được tích cực triển khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh; nhân bản được 11.000 tờ rơi; tổ chức 242 buổi truyền thông nhóm, nói chuyện chuyên đề với trên 5.000 đối tượng là phụ nữ mang thai và phụ nữ sắp kết hôn; tư vấn trực tiếp cho trên 500 hộ gia đình có phụ nữ mang thai về mục đích, ý nghĩa của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh.
Cùng đó, 4 cán bộ y tế tuyến tỉnh và huyện đã được đào tạo siêu âm sàng lọc trước sinh; 39 cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện và cơ sở được tập huấn kỹ thuật lấy máu gót chân; 229 cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện và cơ sở được tập huấn kỹ năng tư vấn.
Chương trình cũng đã cấp 2 máy siêu âm màu cho Bệnh viện Sản Nhi và Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ, cấp 7 máy siêu âm xách tay đen trắng cho trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố. Giai đoạn này, toàn tỉnh đã thực hiện sàng lọc trước sinh bằng siêu âm được 4.998 ca; sàng lọc sơ sinh lấy máu gót chân xét nghiệm cho 564 trẻ sơ sinh, trong đó phát hiện 35 trẻ thiếu men G6PD (chiếm 6,14% tổng số ca).
Năm 2018, chương trình tiếp tục triển khai tại thành phố Yên Bái, huyện Yên Bình, Trấn Yên và thị xã Nghĩa Lộ. Qua đó, thực hiện sàng lọc sơ sinh cho 517 ca, đạt 34,5% chỉ tiêu kế hoạch; trong đó số ca sàng lọc sơ sinh thuộc đối tượng diện miễn phí 85 trẻ và số ca sàng lọc xã hội hóa tại Bệnh viện Sản Nhi là 432 trẻ, kết quả có 15 trẻ thiếu men G6PD (chiếm 2,9% tổng số mẫu). Đồng thời có 1.450 ca siêu âm sàng lọc trước sinh, đạt 111,5% kế hoạch.
Năm 2019, thực hiện được 7.943 ca sàng lọc trước sinh bằng siêu âm, đạt tỷ lệ 60,38% trong tổng số phụ nữ đẻ; sàng lọc sơ sinh 1.970 ca, đạt 75% kế hoạch. Đến năm 2020, chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh triển khai tại tất cả các xã trên địa bàn tỉnh, đã thực hiên sàng lọc trước sinh bằng siêu âm thai được 61%/ tổng số bà mẹ sinh con; sàng lọc sơ sinh bằng lấy máu gót chân được 15%/tổng số bà mẹ sinh con.
Ông Lê Quang Lộc - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho biết: "Việc thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh có thể coi là chìa khóa để nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, tại tỉnh, nội dung này còn khá nhiều khó khăn trong quá trình triển khai”.
Theo đó, khó khăn đầu tiên cần nói đến là kinh phí đầu tư cho chương trình rất ít, chủ yếu từ nguồn Trung ương cấp, kinh phí này chỉ dành cho 2 hoạt động đó là chi trả thực hiện kỹ thuật siêu âm và lấy mẫu máu gót chân, không có kinh phí chi cho các hoạt động hỗ trợ khác. Tiền hỗ trợ miễn phí dịch vụ sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh cũng chỉ dành cho người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, các đối tượng khác tự chi trả tiền dịch vụ.
Ngoài ra, đối tượng sàng lọc là phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu và 3 tháng giữa của thai kỳ và trẻ sơ sinh có tuổi từ 24 giờ đến 72 giờ, trong khi nhiều phụ nữ thường khám thai và sinh con tại các trạm y tế nên không có máy siêu âm thai và chưa có cán bộ được đào tạo kỹ thuật lấy mẫu máu gót chân để sàng lọc. Công tác đào tạo tập huấn siêu âm chẩn đoán và cách lấy mẫu máu tại các cơ sở y tế tuyến huyện cũng chưa được các trung tâm y tế quan tâm đúng mức do số lượng biên chế bác sĩ còn hạn chế (từ khi triển khai chương trình mới có 3 cán bộ được đào tạo siêu âm sản phụ khoa sàng lọc trước sinh cơ bản và đào tạo lấy máu gót chân được 71 người).
Hiện nay, một số quốc gia trên thế giới đã triển khai sàng lọc từ 30 đến 50 bệnh, trong khi chương trình sàng lọc tại Việt Nam mới chỉ triển khai rộng rãi và miễn phí với hai bệnh là suy giáp trạng bẩm sinh và thiếu men G6PD, khi phát hiện thêm các bệnh khác, như: tim bẩm sinh, khiếm thính, rối loạn chuyển hóa, tan máu bẩm sinh... thì người dân phải tự chi trả, đối với hộ nghèo, cận nghèo thì đây là số tiền không nhỏ.
Do chưa nhận thức được lợi ích của sàng lọc trước và sơ sinh nên hầu hết thai phụ không chủ động đi siêu âm hoặc đi siêu âm không đúng thời điểm nên khó phát hiện các dị tật bẩm sinh ở trẻ. Việc vận động các sản phụ ở lại sau 24 giờ để lấy máu xét nghiệm sàng lọc sơ sinh cho trẻ cũng khó khăn. Còn có nhiều gia đình sợ lấy máu xét nghiệm làm đau trẻ nên chưa tự nguyện cho trẻ làm xét nghiệm. Đối tượng được hỗ trợ ở vùng cao rất khó khăn trong tiếp cận dịch vụ, vận chuyển mẫu máu…
Khó khăn đó rất cần được khắc phục để chương trình sàng lọc sơ sinh và trước sinh phát huy hiệu quả, trở thành giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng dân số và giảm gánh nặng bệnh tật cho gia đình và xã hội.
Hạnh Quyên