Từ năm 2011, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số, sớm hơn 6 năm so với dự báo và sẽ trở thành nước có dân số già năm 2035… Đáng chú ý, Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Quá trình già hóa của nước ta chỉ diễn ra trong khoảng thời gian 23 năm (2012-2035), trong khi tại các nước phát triển, quá trình này thường kéo dài hơn nhiều. Nước ta năm 2019 có 11,95% người cao tuổi (NCT) (người trên 60 tuổi).
Ở Yên Bái, tỷ lệ NCT xu hướng tăng. Yên Bái đã bước vào thời kỳ già hóa, số người trên 65 tuổi chiếm 6,8% tổng dân số.
Già hóa dân số với tỷ lệ và số lượng NCT tăng nhanh là thành tựu quan trọng của việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân… Nhưng già hóa dân số cũng mang đến những thách thức lớn đối với nhiều lĩnh vực, trong đó có hệ thống y tế. Tuy tuổi thọ trung bình của Việt Nam cao (73,6 tuổi) nhưng gánh nặng bệnh tật của người Việt cũng cao, đặc biệt là gánh nặng bệnh tật kép (khoảng 95% NCT có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền). Trung bình một NCT Việt Nam mắc ba bệnh.
Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe NCT chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của đối tượng này. Bệnh tật ở NCT chủ yếu là không lây nhiễm và mạn tính, khiến cho chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao. Bên cạnh đó, NCT còn có những yêu cầu về chăm sóc sức khỏe khác biệt và đặc thù hơn nhiều so với nhóm dân cư khác.
Thời gian qua, để chăm sóc sức khỏe NCT thời kỳ già hóa dân số, ngành y tế tỉnh đã triển khai thực hiện Thông tư số 35/2011/TT-BYT ngày 15/10/2011 của Bộ Y tế về chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng.
Tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện đã có buồng khám riêng hoặc bố trí bàn khám riêng cho NCT, có giường điều trị nội trú ưu tiên cho NCT; tổ chức khám chữa bệnh cho NCT tại 100% các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Ngành y tế cũng đảm bảo thực hiện đầy đủ các nội dung chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng như: tuyên truyền phổ biến kiến thức về rèn luyện thân thể, tăng cường sức khỏe và phòng bệnh; hướng dẫn NCT các kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khỏe; khám sức khỏe, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho NCT; khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm; khám chữa bệnh cho NCT tại trạm y tế xã, phường và tại nơi cư trú của NCT; phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng NCT.
Để có các giải pháp ứng phó với một xã hội già hoá dân số, ngày 30/12/2016, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án "Chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017-2025”. Tỉnh Yên Bái đã xây dựng và triển khai Kế hoạch số 193/KH-UBND ngày 15/8/2017 của UBND tỉnh về Kế hoạch thực hiện Đề án chăm sóc sức khỏe NCT tỉnh Yên Bái giai đoạn 2017 - 2025.
Các hoạt động chủ yếu được triển khai gồm: truyền thông giáo dục thay đổi hành vi nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia chăm sóc sức khỏe NCT; nâng cao năng lực cho y tế cơ sở trong việc thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NCT; nâng cao năng lực cho các khoa lão của bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa (trừ chuyên khoa nhi) thực hiện khám, chữa bệnh cho NCT; xây dựng và duy trì hoạt động của đội ngũ chăm sóc sức khỏe NCT tại gia đình; xây dựng các câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe NCT, lồng ghép các nội dung tự chăm sóc sức khỏe NCT vào các câu lạc bộ liên thế hệ và các loại hình câu lạc bộ của NCT khác.
Cùng đó là thực hiện mô hình thí điểm xã hội hóa chăm sóc y tế cho NCT tại các cơ sở chăm sóc tập trung; phát triển nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe NCT; thực hiện chính sách pháp luật về chăm sóc sức khỏe NCT; củng cố, phát triển hệ thống quản lý chăm sóc sức khỏe NCT. Từ năm 2017 đến nay, hoạt động chủ yếu là lồng ghép tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe NCT; quản lý, theo dõi sức khỏe NCT theo chức năng nhiệm vụ của trạm y tế xã 1 lần/năm. Cùng với việc triển khai các hoạt động trên, ngành y tế Yên Bái thực hiện và nhân rộng mô hình chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng, tăng cường triển khai các hoạt động nâng cao năng lực cho y tế cơ sở trong việc thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NCT.
Thu Hạnh