Nhiều địa phương thực hiện tốt chính sách
Mù Cang Chải là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Yên Bái, vì vậy, công tác đào tạo nghề cho người dân ở đây được quan tâm đặc biệt. Sau 10 năm triển khai Đề án 1956, đến năm 2020, công tác đào tạo nghề tại đây đã đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó, giai đoạn 2016 - 2019 là 3.838 người, đạt 153,5%, ước thực hiện năm 2020 là 1.000 người. Lao động nông thôn sau học nghề có việc làm đạt 85,6%. Nhiều học viên đã tự mở một số dịch vụ nhỏ lẻ tại các bản để phục vụ nhu cầu nhân dân địa phương như xưởng gò hàn, hiệu sửa chữa máy nông cụ tổ hợp tác thêu thổ cẩm…
Cũng giống như huyện Mù Cang Chải, huyện Yên Bình đã thực hiện tốt chính sách giáo dục nghề nghiệp cho nông thôn, chỉ tính trong 8 tháng năm 2020, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đã mở được 9 lớp đào tạo nghề theo Đề án 1956 cho 270 lao động.
Nhiều người lao động đã nắm bắt kịp thời các kiến thức nghề học, kỹ năng lao động, tiếp cận tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất thực tiễn; mạnh dạn đầu tư, tích cực chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, cây trồng; thực hiện sản xuất lao động theo quy trình, khoa học, có tính sáng tạo, góp phần giải quyết việc làm, tăng năng suất, thu nhập, từng bước xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Ưu tiên đào tạo nghề
Theo đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Yên Bái, giai đoạn 2010 - 2020, tỉnh đã có 52.336 lao động nông thôn (được hỗ trợ đào tạo) có việc làm sau khi học nghề, đạt 87,4% so với tổng số lao động nông thôn được đào tạo (52.336/59.878 người), trong đó, lao động có việc làm sau khi được đào tạo nghề ở lĩnh vực nông nghiệp là 36.190/39.767 người, đạt tỷ lệ 91%. Đã có 3.527 lượt người được doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng; 3.181 lượt người được doanh nghiệp, đơn vị bao tiêu sản phẩm, 44.533 lượt người tự tạo việc làm; 1.095 lượt người tự thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp; 1.917 lượt người thuộc hộ thoát nghèo sau 1 năm học nghề; 3.606 lượt người thuộc hộ có thu nhập khá sau 1 năm học nghề.
Để có được những thành tựu đó, phải kể đến sự quan tâm chỉ đạo đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái và chính quyền địa phương cấp huyện. Tỉnh đã ban hành quy định đặt hàng dạy nghề, đơn giá đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ người học trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. Việc triển khai dạy nghề cho lao động nông thôn theo hình thức đặt hàng dạy nghề, phân cấp cho các địa phương là chủ đầu tư đã giúp địa phương chủ động, thuận lợi trong việc tổ chức các lớp dạy nghề gắn với thực tiễn nhu cầu sử dụng. Sau học nghề, tỉnh đã bố trí nguồn lực ngân sách để hỗ trợ thêm cho lao động nông thôn vay vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm được triển khai thực hiện có hiệu quả.
Công tác đào tạo được chú trọng, các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn được tổ chức tại 173/173 xã, phường, thị trấn; trên 80% các lớp dạy nghề được tổ chức tại các xã, thôn, bản trong đó có nhiều thôn/bản đặc biệt khó khăn, tạo thuận lợi trong việc đi lại cho người học. Trong quá trình tổ chức lớp học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã có sự linh hoạt về thời gian, địa điểm đào tạo cho phù hợp với thực tế sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi và điều kiện của người học.
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu hỗ trợ đào tạo nghề ở trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 20.000 lao động nông thôn (bình quân 4.000 lao động/năm). Theo đó, tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tập trung đối với lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động hưởng chính sách ưu đãi người có công, lao động bị thu hồi đất, lao động làm nông nghiệp có nhu cầu chuyển đổi việc làm sang lĩnh vực phi nông nghiệp. Chia theo cơ cấu đào tạo, đào tạo nghề ở lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 6.000 - 8.000 người (30 - 40%); đào tạo nghề ở lĩnh vực phi nông nghiệp chiếm khoảng 12.000 - 14.000 người (60 - 70%).
(Theo Đại biểu nhân dân)