Cùng đó, ngành chỉ đạo các đơn vị y tế phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền các địa phương chủ động nắm chắc tình hình dịch bệnh ở cơ sở, kịp thời phát hiện khống chế, không để bệnh dịch lớn xảy ra.
Năm 2020, các đơn vị nghiệp vụ đã tổ chức 40 lần kiểm tra công tác phòng, chống bệnh lao tại 9/9 huyện, thị, thành phố. Các cơ sở y tế đã khám lao cho 9.399 người, xét nghiệm đờm cho 11.027 lượt người, số bệnh nhân lao phát hiện mới 243 người, trong đó 116 bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học; hướng dẫn các bệnh nhân sử dụng thuốc theo phác đồ điều trị để ngăn chặn các vi khuẩn đột biến, kháng thuốc không để lây lan ra cộng đồng.
Công tác phòng, chống sốt xuất huyết phát hiện 21 trường hợp nhưng được điều trị kịp thời nên không xảy ra nguy hiểm. Để phòng, chống sốt xuất huyết, các cơ sở y tế đã tổ chức các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch, tuyên truyền cho người dân cách diệt muỗi, lăng quăng bọ gậy ở các dụng cụ chứa nước, cách phòng, chống muỗi đốt và thực hiện việc mắc màn khi ngủ.
Trong các chương trình mục tiêu y tế thì công tác tiêm chủng mở rộng (TCMR) đóng vai trò rất quan trọng trong việc loại trừ một số bệnh có vắc-xin phòng ngừa. Hàng năm, ngành đã xây dựng kế hoạch TCMR, công bố các cơ sở đủ điều kiện TCMR và triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Sởi, Rubella, bại liệt, uốn ván, bạch hầu…; duy trì tiêm vắc-xin viêm gan B sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ, Bệnh viện Sản - Nhi và các cơ sở y tế khác, tổ chức nhiều khóa đào tạo cho 100% cán bộ về an toàn TCMR; phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nghiên cứu, xác định tồn lưu kháng thể kháng bạch hầu, uốn ván, sởi, Rubella… ở trẻ em từ 5 đến 7 tuổi và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại các xã, thị trấn.
Năm 2020, có 14.986 trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc-xin đạt 98,6%; tiêm phòng UV2+ cho 14.146 phụ nữ có thai đạt 95,9%; tiêm phòng Sởi - Rubella cho 14.825 trẻ 18 tháng đạt 97,1%...
Thực hiện Chương trình Dân số và Phát triển, quan tâm đặc biệt công tác cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em, từ công các truyền thông, đến nay, các gia đình đã cơ bản thực hành dinh dưỡng hợp lý từng bữa ăn cho trẻ em dưới 5 tuổi nên tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm còn 16,5%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi 26%; tỷ lệ béo phì 10%; tỷ lệ bà mẹ và trẻ sau sinh được uống Vitamin A dự phòng đạt gần 90%...
Để thay đổi hành vi về công tác dân số trong tình hình mới, ngành đã đẩy mạnh công tác truyền thông nhân các dịp như: Ngày Dân số Thế giới 11/7, Ngày Tránh thai Thế giới 26/9, Ngày Quốc tế Người cao tuổi 1/10, Tháng hành động quốc gia về Dân số, Ngày Dân số Việt Nam 26/12… gắn với truyền thông về giới tính, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, tiền hôn nhân, kỹ năng sống cho tuổi vị thành niên, thanh niên… Qua đó, giúp mọi người nêu cao ý thức, trách nhiệm, cải thiện sức khỏe, ngăn chặn dịch bệnh xảy ra.
Hiện, mạng lưới y tế được phát triển rộng khắp đến tất cả các xã, thôn, bản vùng sâu, vùng xa, công tác phòng, chống dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ nên nhiều năm Yên Bái không để dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn.
Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình mục tiêu y tế - dân số năm 2020 còn bộc lộ nhiều hạn chế như: cán bộ làm công tác y tế dự phòng tuyến cơ sở còn thiếu; kinh phí triển khai Chương trình chưa đáp ứng đủ theo yêu cầu thực tế; nhận thức về công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và dinh dưỡng đối với một bộ phận người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở các xã, thôn, bản vùng cao vẫn ở mức cao…
Thời gian tới, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, địa phương trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đáp ứng tốt mọi yêu cầu nhiệm vụ đề ra.
Thái Hưng