Với phương châm "thầy tại chỗ, thuốc tại vườn”, lương y Trần Sỹ Sử, ở thôn 9, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ đã sưu tầm và bảo tồn nhiều cây thuốc quý để khám chữa bệnh (KCB) cho người dân địa phương. Nhờ thường xuyên học hỏi, nghiên cứu các bài thuốc hay kết hợp với nhiều vị thuốc quý trong vườn nhà mà việc KCB của ông Sử luôn đạt hiệu quả cao.
Ông Sử cho biết: "Từ những cây thuốc, vị thuốc sẵn có trong vườn tôi đã chữa khỏi bệnh cho nhiều bệnh nhân địa phương mắc các bệnh xương, khớp, sỏi thận”. Lương y Trần Sỹ Sử đã góp phần tích cực trong công tác KCB ban đầu, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ bằng YHCT của người dân, từ đó góp phần lưu giữ các vị thuốc, bài thuốc quý trong dân gian.
Bên cạnh việc tuyên truyền, khuyến khích các cơ sở Hội bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu, công tác sản xuất, bào chế, chế biến thuốc đông dược cũng được Hội Đông y tỉnh đặc biệt quan tâm. Hội đã chỉ đạo các cấp Hội tăng cường phát hiện, sưu tầm, phát triển nguồn dược liệu tại địa phương, xây dựng kế hoạch, bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu hiện có trên địa bàn tỉnh.
Tiêu biểu, nhiều ông lang, bà mế của huyện Văn Yên đã lưu giữ được các bài thuốc quý trị các bệnh về dạ dày, gan thận, gãy xương, rắn cắn hiệu quả.
Đặc biệt, trong số đó có bài thuốc chữa bệnh gãy xương của lang y Nguyễn Mạnh Hà, ở thị trấn Mậu A hay bài thuốc sỏi thận của bà Hà Thị Thoa, xã Đông Cuông; bài thuốc đắp vết thương chậm liền của bà Hà Thị Diệp, xã Yên Thái; tinh dầu thực vật Đại Phú An của ông Đỗ Văn Tĩnh, thị trấn Mậu A... Các bài thuốc vẫn tiếp tục được các ông lang, bà mế sử dụng và cho kết quả tốt trong việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân bằng phương pháp YHCT, đơn giản, hiệu quả, ít độc hại.
Cùng với đó, 3 năm qua, Hội Đông y tỉnh còn phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam thực hiện Dự án "Nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị cây thuốc nam” thông qua các hoạt động của Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng Yên Bái (YENBAI CDSH).
Dự án đã hỗ trợ 300 hộ dân ở hai huyện Yên Bình, Văn Yên trồng cây thuốc nam từ các bài thuốc đông y tiềm năng, thông qua 4 nhóm sở thích, người dân đã đăng ký trồng cây cà gai leo với diện tích trên 84.500 m2; giúp kết nối giữa người dân và doanh nghiệp thu mua, chế biến đảm bảo đầu ra cho sản phẩm; triển khai các diễn đàn trực tuyến về cây thuốc, bài thuốc cho người dân...
Theo ông Koen Duchateau, Trưởng Ban hợp tác Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam: "Yên Bái là tỉnh có tiềm năng phát triển nhiều loại dược liệu quý. Qua 3 năm thực hiện, Dự án đã thu được hiệu quả thiết thực tại các địa phương của Yên Bình và Văn Yên nhất là các loại cây cà gai leo, khôi nhung. Các sản phẩm đã được kết nối liên kết tiêu thụ phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu”.
Qua đó, Dự án đã lựa chọn được 9 bài thuốc và 24 cây thuốc tiềm năng, góp phần bảo tồn 983 bài thuốc trong toàn tỉnh với 630 loại thuốc quý, đáp ứng nhu cầu KCB bằng YHCT của người dân. Góp phần tích cực vào kết quả 335.000 lượt người được KCB, trong đó có gần 11.000 lượt người được KCB không dùng thuốc mỗi năm của Hội Đông y tỉnh.
Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương về duy trì, phát triển những cây thuốc quý, thời gian tới Hội Đông y tỉnh sẽ làm tốt công tác bảo tồn, lưu giữ các bài thuốc hay, cây thuốc quý, góp phần nâng cao chất lượng KCB cho nhân dân, khẳng định vị thế của nền YHCT trong thời hiện đại.
Minh Huyền