Tại một hội nghị mới đây về an toàn giao thông, ông Khuất Việt Hùng, phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia cho biết, 5 năm qua, cả nước xảy ra 94.024 vụ tai nạn giao thông, làm chết 39.917 người, bị thương 77.477 người. Tức mỗi năm, nước ta có gần 8.000 người mất và hơn 15.000 người bị thương.
Tai nạn giao thông không chỉ làm đau lòng người thân mà còn để lại những hậu quả và hệ lụy nặng nề. Những cái chết thương tâm; những thương tích đeo đẳng cả cuộc đời nạn nhân sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Dự phòng rủi ro bằng bảo hiểm
Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị nạn trong các vụ tai nạn giao thông, Chính phủ quy định Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là loại hình bảo hiểm bắt buộc.
Phí bảo hiểm cũng được Chính phủ xem xét ở mức thấp so với thu nhập của chủ xe cơ giới. Ví dụ mức phí cho bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) chủ xe máy chỉ 66.000 đồng/năm, tức chưa đến 200 đồng/ngày.
Rõ ràng, mua sản phẩm bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới, người di chuyển trên đường sẽ được bảo vệ quyền lợi và chủ phương tiện thêm tài chính để khắc phục hậu quả khi có tai nạn xảy ra. Chính phủ đã yêu cầu người dân phải tham gia loại hình bảo hiểm này và mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm khi lưu thông trên đường, để xuất trình và để tránh bị phạt.
Bảo hiểm bắt buộc xe máy hiện có thể đặt mua và thanh toán trực tuyến, công ty bảo hiểm sẽ phát hành chứng nhận gửi qua email, sau đó gửi bản in về địa chỉ khách hàng đăng ký.
Bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới cũng đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới, nhằm duy trì an toàn giao thông, hỗ trợ một phần tài chính cho chủ xe, người bị tai nạn và góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Ví dụ, tại Thái Lan, nếu mua xe mới, chủ xe cần xem xét mua bảo hiểm toàn diện, gồm bảo hiểm CTPL (trách nhiệm bắt buộc của bên thứ ba) và bảo hiểm thiệt hại của xe.
Việt Nam cũng đã tham gia hợp tác với các quốc gia ASEAN về bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới quá cảnh. Nghị định thư số 5 đã được các Bộ trưởng Bộ Tài chính ASEAN ký kết ngày 8/4/2001 yêu cầu xe cơ giới quá cảnh phải bảo đảm có thẻ xanh (blue card) – một bằng chứng xe đã được cấp đơn bảo hiểm.
Dự thảo Nghị định lần này dự kiến hoàn thiện quy định về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới, còn vì mục đích tạo điều kiện cho thực hiện Chương trình bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới ASEAN.
Những lợi ích vượt trội
Chính phủ luôn xem xét và hoàn thiện loại hình bảo hiểm này để tạo sự thuận tiện cao nhất cho các chủ xe, người bị thiệt hại nếu không may gặp tai nạn giao thông. Dự kiến trong tháng 3/2021 Nghị định sửa đổi sẽ có hiệu lực.
Bảo hiểm xe máy hỗ trợ khách hàng và bên thứ ba khi gặp rủi ro trong quá trình tham gia giao thông.
Đầu tiên, Dự thảo tạo điều kiện để doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) có nhiều quyền hạn và trách nhiệm hơn như cho phép chủ động thiết kế Giấy chứng nhận bảo hiểm, cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử.
Cùng mức giới hạn 1 năm như lâu nay, các công ty bảo hiểm đã mở rộng thời hạn bảo hiểm theo hướng tăng thời gian tối đa là 3 năm (xe máy) và tương ứng thời hạn kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường (xe ôtô).
Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo lần này sẽ là đề xuất tăng mức trách nhiệm bồi thường lên đến 50%. Theo đó, Bộ Tài chính dự kiến nâng mức trách nhiệm bảo hiểm từ 100 triệu đồng hiện nay lên 150 triệu đồng cho mỗi trường hợp tử vong, trong phạm vi bảo hiểm chi trả.
Trong khi đó, về phí bảo hiểm cơ bản sẽ giữ nguyên với mức khá thấp, chỉ có 66.000 đồng/ năm đối với xe máy. Dự thảo Nghị định cũng đề cập, căn cứ vào lịch sử tai nạn giao thông và năng lực chấp hành rủi ro, doanh nghiệp bảo hiểm được chủ động xem xét tăng phí bảo hiểm, mức tăng tối đa là 15% tính trên phí bảo hiểm.
Đặc biệt hơn, DNBH được quyền phối hợp với bên mua bảo hiểm và các bên liên quan để thiết lập hồ sơ mà không phải thu thập tài liệu từ cơ quan có thẩm quyền, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ bồi thường bảo hiểm (với tai nạn không tử vong). Nếu tai nạn gây chết người, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tham gia thu thập bản sao các tài liệu liên quan và sẽ chịu trách nhiệm lập Biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất.
Với quy định này, gánh nặng chạy tìm thu thập hồ sơ đối với chủ xe đã giảm đi nhiều. Dự thảo Nghị định cũng quy định trong thời gian 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo vụ tai nạn, nếu trong phạm vi bồi thường, DNBH có trách nhiệm tạm ứng ngay 70% mức bảo hiểm cho người tử vong và 50% cho người bị thương cấp cứu. Nếu vụ tai nạn chưa xác định được thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường thì tạm ứng mức tương ứng là 30% và 10%.
Phùng Nguyễn